Để đồng vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng và sử dụng vốn vay có hiệu quả, những năm qua, HPN xã Quảng Lạc đã đã tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh tổ chức sinh hoạt chi Hội và họp với hội viên phụ nữ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn để bình xét hộ vay vốn. Hội đã phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện cho 35 hội viên nghèo đứng chủ vay lãi xuất ưu đãi với số tiền trên 2 tỷ đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất và trồng rừng…Bà Nguyễn Thị Lan- chủ tịch HPN xã Quảng Lạc cho biết: Vốn vay của Ngân hàng CSXH tuy không lớn nhưng là cơ sở ban đầu giúp cho chị em phát triển kinh tế gia đình. Hội phụ nữ cũng đã quan tâm giuóp đỡ chị em trong việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Thông qua nguồn vốn này nhiều hội viên đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá.
Nho Quan là huyện có địa bàn rộng với 27 xã, thị trấn thì có 4 xã, 18 thôn, bản đặc biệt khó khăn và có đến 9 xã có tỷ lệ nghèo cao của tỉnh. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người nông dân là thiếu vốn và cách thức làm ăn để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2010, chương trình phối hợp giữa Hội phụ nữ và Ngân hàng chính sách xã hội huyện về ủy thác cho hội viên vay vốn thuộc diện hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được triển khai thực hiện có hiệu quả.Với việc làm thiết thực là hỗ trợ hội viên nghèo có kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay để thoát nghèo bền vững. Hội phụ nữ xã đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều buổi chuyển giao KHKT tới hàng trăm lượt hội viên tham dự và xây dựng các mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các hộ hội viên nghèo học tập như: mô hình lúa chất lượng cao; mô hình lúa cao sản; mô hình chăn nuôi, mô hình trồng nấm... Trao đổi với ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nho Quan được biết: Hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư phát triển kinh tế gia đình giữa NHCSXH và Hội phụ nữ huyện đã có sự phối hợp chặt chẽ, các cấp hội thực sự là chiếc cầu nối giữa ngân hàng với hàng nghìn hộ sản xuất. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện tính đến thời điểm này là 232 tỷ đồng. Trong đó, số hộ nghèo thuộc hội viên hội phụ nữ là 6500 hộ được vay, với số tiền gần 70 tỷ đồng. Các hộ vay vốn đã sử dụng đúng mục đích như đầu tư vào phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, nuôi con đặc sản như dê, thỏ, nhím và đầu tư mua cây giống phát triển kinh tế đồi rừng….Ngoài cho các hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình, trong năm 2010, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nho Quan còn cho trên 2500 hộ nghèo và các hộ được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng như khó khăn về nhà ở theo quyết định 167 của thủ tướng chính phủ, các hộ nghèo có con học Đại học, Cao đẳng với số tiền trên 62 tỷ đồng… Việc cho vay và thu hồi nợ vay cơ bản bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời gian, đúng quy định của Nhà nước.
Để giúp các hộ nghèo, đặc biệt là hội viên phụ nữ nghèo đứng chủ được vay vốn và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống mức thấp nhất, trong năm 2011, ngân hàng chính sách xã hội và Hội phụ nữ huyện Nho Quan đã cùng phối hợp đề ra nhiều giải pháp cụ thể như phối hợp tổ chức các lớp tư vấn, hướng dẫn hội viên sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên. Nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc ký ủy thác cho vay giữa Ngân hàng CSXH với các cấp HPN trong huyện, trong thời gian tới HPN các cấp từ huyện tới cơ sở cần làm tốt việc bình xét cho vay hộ nghèo, đảm bảo đúng đối tượng, thực hiện đúng hợp đồng đã ký với NHXSXH. Tích cực tuyên truyền để hội viên vay vốn sử dụng đúng mục đích mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực để vươn lên thoát nghèo và làm giầu chính đáng.
Bước sang năm 2011, NHCSXH Nho Quan đang tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn theo công văn số 1617/ NHCS- TD ngày 28/8/2007 của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, thực hiện xử lý thu hồi các trường hợp nợ khó đòi. Tổ chức thông báo nguồn vốn, thực hiện giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm công khai, dân chủ. Tăng cường kiểm tra hoạt động của các tổ vay vốn, các tổ chức chính trị nhận ủy thác quản lý vốn vay và việc sử dụng vốn vay để đảm bảo an toàn nguồn vốn của nhà nước. Làm tốt công tác tuyên truyền cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Đặng Thị Thanh Nga