PV: Để thu hút, tập hợp hội viên, phụ nữ cùng tham gia cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", công tác tuyên truyền được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn triển khai như thế nào?
Đ/c Phạm Thị Kim Oanh: Để những nội dung và ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" đến với đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp Hội Phụ nữ trong huyện quan tâm đẩy mạnh.
Hàng năm Hội Phụ nữ huyện đều quan tâm cử đội ngũ cán bộ chuyên trách trực tiếp cùng với cơ sở tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích, tầm quan trọng, nội dung của cuộc vận động đến cán bộ, hội viên, phụ nữ ở 100% chi hội nông nghiệp.
Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú tùy theo điều kiện ở từng địa phương như: sinh hoạt chi/tổ phụ nữ hàng quý, qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ "Xây dựng gia đình hạnh phúc", câu lạc bộ "Gia đình 5 không, 3 sạch", qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức hội thi, cung cấp 11.000 tờ rơi tới hội viên, phụ nữ về cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" ở cơ sở. 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức được 113 buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề về nội dung và hướng dẫn cách thức thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động trong các kỳ sinh hoạt hội viên…
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng để mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu về ý nghĩa, mục đích, lợi ích của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Để từ đó mỗi hội viên, phụ nữ xác định được trách nhiệm, quyền và lợi ích của bản thân và gia đình khi tham gia cuộc vận động, tự rà soát mức độ đạt được 8 tiêu chí của cuộc vận động và có kế hoạch thực hiện.
PV: Xin đồng chí cho biết những chuyển biến từ việc thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" của hội viên, phụ nữ huyện?
Đ/c Phạm Thị Kim Oanh: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo 100% cơ sở đăng ký xây dựng mô hình gia đình "5 không, 3 sạch", in ấn biểu mẫu, phiếu đăng ký thực hiện các tiêu chí cho cơ sở. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động và đưa vào thành 1 tiêu chí trong giao ước thi đua ký với Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở. 100% cơ sở đã ký kết với các chi hội, tổ chức triển khai kế hoạch đến 100% ủy viên Ban chấp hành, chi hội trưởng phụ nữ.
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện cuộc vận động, Hội Phụ nữ huyện đã chọn chỉ đạo điểm cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" tại chi hội số 2, xã Ninh Hải với mô hình CLB "Hạn chế sử dụng túi nilon", mô hình "Hàng cây phụ nữ làm theo lời Bác", "7 ngày sạch", mô hình " Đoạn đường hoa phụ nữ" tại khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư xã Trường Yên; mô hình "Bể xử lý rác thải 2 ngăn tại hộ gia đình", mô hình "Tiết kiệm xanh"...ở xã Ninh Hòa để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.
Đồng thời, tùy theo đặc điểm từng nơi, các cơ sở đều chỉ đạo điểm ở 1 chi hội. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ huyện, xã đều có kiểm tra, đôn đốc, nêu gương các chi hội, các hộ gia đình thực hiện tốt cuộc vận động tại các buổi sinh hoạt chi hội, các hội nghị sơ kết phong trào Hội phụ nữ 2 cấp.
Do đó đến nay, đã có nhiều mô hình "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" được hình thành và duy trì hiệu quả. Tiêu biểu như các mô hình: Mô hình " 7 ngày xanh - sạch - đẹp" tại chi hội số 2, thôn Văn Lâm với 138 hộ gia đình tham gia, đã dành "30 phút mỗi ngày" để dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện với con, xem ti vi, đọc báo… và dành "30 phút mỗi tuần" để dọn vệ sinh môi trường nơi công cộng.
Hiện nay đã nhân rộng mô hình ra 9/9 chi hội trong xã duy trì việc tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng vào chiều thứ 7 hàng tuần; Mô hình chi hội tự quản vệ sinh môi trường tại thôn Ngô Thượng, xã Ninh Hòa với 105 phụ nữ tham gia. Hội phụ nữ đã hướng dẫn cho chị em thực hiện các tiêu chí 3 sạch, rác thải được các gia đình thu gom vào đúng nơi quy định và phân loại, sau đó hội viên luân phiên nhau thu gom rác thải, tiền phí thu được 1 phần chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia, phần còn lại bổ sung quỹ Hội.
Đến nay 7/8 chi hội tự quản về vệ sinh môi trường với chiều dài 7 km đường. Toàn huyện đã thành lập 48 tổ thu gom rác thải với 35 tuyến đường phụ nữ tự quản… Đây là 2 trong số nhiều mô hình tiêu biểu được hình thành từ việc thực hiện cuộc vận động xây dựng "gia đình 5 không, 3 sạch" do các cấp Hội phụ nữ chỉ đạo thực hiện.
Kết quả từ cuộc vận động, toàn huyện đã duy trì 35 tuyến đường phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường với 5.089 người tham gia, 48 tổ phụ nữ thu gom rác thải, 100% chi hội thực hiện phong trào "Ngày thứ 7 sạch". Đến cuối năm 2015, toàn huyện đã có 10.566 gia đình cán bộ, hội viên đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động, đạt tỷ lệ 85,5%. Qua đó góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện tiêu chí về vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện nếp sống văn minh ở các địa phương.
PV: Kết quả từ cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đạt được đã có tác động như thế nào đến phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Hoa Lư?
Đ/c Phạm Thị Kim Oanh: Kết quả thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" mà hội viên, phụ nữ Hoa Lư thực hiện thời gian qua đã góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo…
Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã quyên góp, khai thác các nguồn lực giúp xây mới, sửa chữa 12 nhà ở cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 774 triệu đồng; tổ chức 566 buổi chuyển giao KHKT cho 11.789 lượt phụ nữ, tổ chức 42 lớp dạy nghề cho 1.930 lao động nữ; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.066 phụ nữ; khai thác 63,2 tỷ đồng vốn cho 3.660 hộ vay, trong đó có 218 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ; giúp 703 hộ gia đình phụ nữ nghèo đứng chủ thoát nghèo bền vững....
Các hoạt động kể trên đã góp phần nâng mức thu nhập của người dân tại các xã xây dựng nông thôn mới từ 9,8 triệu đồng/người/năm (2011) lên 26,18 triệu đồng/người/năm (2015), tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh từ 12,68% (năm 2011) xuống còn 2,87% (năm 2015), tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 79,3% năm 2011 lên 91,54% năm 2015. Thực hiện tiêu chí về môi trường, lực lượng lao động nữ đã gương mẫu vận động gia đình hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông và thực hiện việc sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Thực hiện phong trào "Ngày thứ 7 sạch" cứ vào ngày thứ 7 hàng tuần có hàng ngàn phụ nữ tham gia quét, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng, đồng thời duy trì 48 tổ phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường thường xuyên thu gom rác thải đến nơi quy định để giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Qua đó góp phần xây dựng 75 thôn trong toàn huyện đạt danh hiệu "thôn văn hóa", đạt tỷ lệ 84%.
Bên cạnh đó, hội viên, phụ nữ trong huyện còn tích cực tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 5 năm qua, nhiều hội viên, phụ nữ đã tự giác thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đóng góp 13.129 ngày công lao động, 26,8 tỷ đồng tiền mặt, hiến 52,9m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn...ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa mới, tự nguyện tham gia các mô hình đạt hiệu quả, điển hình là mô hình "Cấy lúa chất lượng cao" ở các xã Trường Yên, Ninh Hòa, Ninh Khang với diện tích 300 ha. Các hoạt động trên góp phần đưa 10/10 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016 và đưa huyện Hoa Lư trở thành huyện đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (thực hiện)