Xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/T.Ư là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành hướng dẫn học tập các chuyên đề về phong cách đạo đức của Bác, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nền nếp. Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị, Tỉnh hội đã chỉ đạo, xây dựng mô hình điểm sinh hoạt, học tập các chuyên đề bằng các hình thức phù hợp để rút kinh nghiệm và nhân rộng đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Các cấp Hội xây dựng chuẩn mực theo tấm gương đạo đức của Bác, chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với sơ kết, tổng kết. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú như: sinh hoạt CLB nông dân, sinh hoạt chi hội, nói chuyện chuyên đề... Thông qua đó đã tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên nông dân nhận thức sâu sắc hơn về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, tạo sự chuyển biến về ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm với công việc được giao.
Chuyển từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã vận dụng sáng tạo vào thực tế với nhiều cách làm hay, hoạt động phong phú, thiết thực, tạo sự chuyển biến về phương pháp, hiệu quả công tác. Nổi bật là, Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong hoạt động của Hội. Đó là vấn đề tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; tình trạng hội viên nông dân tham gia khiếu kiện đông người ở một số nơi…
Trước những vấn đề trên, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, sinh hoạt Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật"; thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhờ đó, phần lớn cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động, giúp nhau giảm nghèo, giảm đáng kể tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Nhớ lời Bác dạy "Nói đi đôi với làm", Hội đã gắn việc thực hiện Chỉ thị 03 với đẩy mạnh các phong trào thi đua lớn của Hội như: phong trào "Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bèn vững", "Xây dựng nông thôn mới"... Trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động khai thác các nguồn vốn, kết hợp giữa tập huấn KHKT, hướng dẫn nông dân cách làm ăn với hỗ trợ, giúp nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.
Tổng số vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh tính đến năm 2014 đạt trên 16.794 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ Trung ương ủy thác và nguồn cấp tỉnh đã triển khai 49 dự án cho 542 hộ nông dân vay với số tiền 10.261 triệu đồng. Hiện nay, các cấp Hội đang tạo vốn cho 30.672 hộ vay trên 561 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động dạy nghề, truyền nghề cho hội viên nông dân; quan tâm phối hợp tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giúp nông dân nâng cao kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, từng bước mở rộng thị trường. Từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, hướng dẫn cách làm ăn cho 319.860 lượt hội viên nông dân theo hướng "cầm tay chỉ việc".
Vận động hội viên, nông dân dồn điền, đổi thửa để hình thành "Cánh đồng mẫu lớn", các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; hướng dẫn liên kết xây dựng tổ hợp tác, chi hội ngành nghề để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Hội còn chủ động xây dựng nhiều mô hình, dự án phù hợp với từng địa bàn trong tỉnh mang lại hiệu quả cao. Điển hình là các dự án giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân Công giáo tại xã Văn Hải (huyện Kim Sơn), dự án thu gom, phân loại, xử lý rác thải đảm bảo môi trường tại xã Lạng Phong, Phú Lộc (huyện Nho Quan), Dự án Quỹ hỗ trợ nông dân tại xã Xuân Thiện, Quang Thiện, Đồng Hướng (huyện Kim Sơn), Dự án "Phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống và nuôi cá hồ chứa" tại 2 xã Khánh Tiên và Khánh Lợi (huyện Yên Khánh)...
Từ việc học tập và làm theo lời Bác, đã xuất hiện nhiều tấm gương, tập thể điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Tiêu biểu như: Hội Nông dân xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh); Chi hội Nông dân thôn Kênh, xã Yên Thành (huyện Yên Mô); ông Trịnh Văn Tiến, Chi hội trưởng chi Hội Nông dân thôn 12, xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) là cán bộ giỏi việc Hội, giỏi việc nhà. Nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi là nguồn cổ vũ, động viên cho hàng nghìn nông dân trong tỉnh thi đua phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương.
Thùy Phương