Ngay từ đầu năm Hội đã quán triệt trong Ban Chấp hành Hội và chi hội tổ chức cho hội viên học tập, nghiên cứu các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó giúp cho cán bộ, hội viên nông dân nhận thức sâu sắc giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Người, góp phần quan trọng trong việc vận động, khích lệ hội viên tích cực học tập và rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của Bác. Bên cạnh đó, trong công tác chuyên môn Hội luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cụ thể hóa "làm theo lời Bác" bằng việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; trong thực hiện phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới…
Đáng chú ý là trong quá trình triển khai các phong trào thi đua, việc tuyên truyền, vận động theo tinh thần "dân vận khéo" đã được chú trọng. Các cấp Hội đã vận động nông dân đảm nhận những việc khó như "nhận ruộng lầy thụt, kém hiệu quả" để xây dựng các trang trại tổng hợp nuôi cá, chăn nuôi, trồng cây ăn quả tại Yên Sơn, Yên Bình, Tân Bình. Đồng thời hội viên nông dân cũng mạnh dạn đi đầu trong việc đưa các giống cây con mới vào sản xuất, một số mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ nét, nhất là mô hình trồng hoa ly, nuôi gà siêu trứng, nuôi dê bách thảo, nuôi hươu, lợn rừng… tại Nam Sơn, Đông Sơn, Trung Sơn, Quang Sơn. Đặc biệt tại Đông Sơn, nhiều hội viên nông dân đang từng bước mở rộng diện tích trồng hoa đào phai theo hướng đào gốc, đào thế nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của loại cây này. Hiện Đông Sơn đã có khoảng gần 200 ha trồng đào phai, doanh thu mỗi dịp tết lên tới hàng chục tỷ đồng.
Thời gian qua Hội cũng là nòng cốt trong triển khai tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở cấp xã gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức hội đang duy trì 100 bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng của các xã, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường ở nông thôn. Bên cạnh đó, Hội cũng chủ động phối hợp để đa dạng hóa các nguồn lực, các phương pháp hỗ trợ giúp đỡ hội viên nông dân nhất là hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt trong các năm từ 2016-2018, Hội Nông dân thành phố cùng các cơ sở Hội đã phối hợp tư vấn vận động thành lập 7 HTX gồm HTX môi trường, HTX tiêu thụ cây dược liệu, HTX nông sản an toàn... Đến nay thành phố đã có 13 HTX trong đó có 11 HTX nông nghiệp, 2 HTX phi nông nghiệp tạo việc làm thường xuyên cho gần 2 nghìn lao động.
Không chỉ thực hiện "dân vận khéo" trong phát triển kinh tế, Hội nông dân Tam Điệp còn minh chứng "dân vận khéo việc gì cũng thành công" trong vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Nhiều cán bộ, hội viên nông dân đã tích cực tham gia hoạt động giám sát quá trình làm đường, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng các công trình công cộng ở địa phương nhằm góp phần đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng quy hoạch của các công trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã phát huy tính chủ động, tích cực của nông dân với vai trò là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay 100% đường trục liên xã, đường trục thôn, đường trục chính nội đồng xe cơ giới đã có thể đi lại thuận tiện; hệ thống điện được lắp đặt theo quy hoạch…
Tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác, thời gian tới Hội Nông dân thành phố Tam Điệp sẽ đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua dân vận khéo gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đào Duy