Hưởng ứng kế hoạch của Hội Nông dân tỉnh về việc hội viên, nông dân tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Yên Mô đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, chế biến, chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, có những việc làm thiết thực "Nói không với thực phẩm bẩn".
Tại xã Yên Thắng, địa phương có nhiều mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, những ngày này người sản xuất, chăn nuôi khá quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. Trên địa bàn xã có trên 200 hộ thực hiện mô hình đa canh lúa + cá, chăn nuôi gà, vịt… có quy mô vừa và nhỏ. Ngoài ra, hầu hết trong các gia đình ở nông thôn đều chăn nuôi gia súc, gia cầm nên việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, thức ăn cho gia súc, gia cầm được người dân hết sức chú trọng. Ông Ninh Đăng Trình, hộ nông dân ở xóm Vân Hạ cho biết: Mô hình lúa + cá + chăn nuôi tổng hợp của gia đình tôi được triển khai từ mấy năm nay, cho hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa thuần túy. Với diện tích khoảng 1 ha, gia đình đã triển khai 1 vụ lúa + 1 vụ cá với các giống: cá chép, cá trắm đen, trên bờ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do áp dụng triệt để kiến thức khoa học kỹ thuật nên đàn gia súc, gia cầm khỏe, tăng trưởng tốt. Riêng đàn cá trong ao cứ đến vụ thu hoạch không phải đưa đi tiêu thụ ở đâu xa mà thương lái các nơi về tận nhà để đặt mua. Để tạo dựng uy tín với khách hàng, điều tiên quyết là việc chăn nuôi, nuôi trồng phải đảm bảo an toàn thực phẩm nên mọi nguyên liệu, nguồn thức ăn gia đình đều nhập từ các cơ sở có uy tín. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng tích cực hỗ trợ hội viên các điều kiện về kiến thức, khoa học kỹ thuật để người nông dân có kiến thức trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm… Được biết, để giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, những năm qua Hội Nông dân xã Yên Thắng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên, giới thiệu, tìm hiểu những cơ sở, thương hiệu cung cấp thức ăn chăn nuôi có uy tín, chất lượng để hội viên, nông dân tham khảo. "Nói không với thực phẩm bẩn" với Hội Nông dân xã còn là việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để hội viên, nông dân nắm bắt được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, có những hành vi, việc làm đúng vì sức khỏe cộng đồng. Được biết, những năm qua, trong chương trình công tác Hội, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Hội Nông dân các xã, thị trấn chú trọng hoạt động tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân về sự cần thiết phải đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, qua việc duy trì các câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật", Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn đã lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hội còn quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức cơ bản về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo nguyên tắc "4 đúng". Làm tốt việc hướng dẫn, tư vấn cho hội viên, nông dân biết cách lựa chọn, sử dụng những thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng. Tuyên truyền để người sản xuất có ý thức bảo vệ môi trường, thu gom vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau khi sử dụng…
Để khẩu hiệu "Nói không với thực phẩm bẩn" trở thành việc làm cụ thể trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm của mỗi hội viên, nông dân trong huyện, Hội Nông dân Yên Mô đã và đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, triển khai hoạt động cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi "từ sản xuất đến tiêu dùng". Hội phấn đấu đến hết năm 2016, có 80% gia đình hội viên, nông dân trở lên tham gia sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm. Mỗi Hội Nông dân xã, thị trấn phấn đấu xây dựng được ít nhất một mô hình điểm về sản xuất nông sản an toàn. Đến năm 2020, mỗi chi hội có ít nhất một mô hình sản xuất thực phẩm an toàn do hội viên nông dân quản lý và từng bước xây dựng thương hiệu. Hàng năm, 100% cơ sở Hội triển khai các hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Lý Nhân