Để thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo", Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về công tác dân vận và ý nghĩa, tầm quan trọng, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội thường xuyên gắn công tác tuyên truyền nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" với các phong trào thi đua yêu nước và các phong trào của Hội, đặc biệt là trong dịp sinh hoạt Hội và các ngày lễ, kỷ niệm trong năm. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội nông dân cơ sở xây dựng các điển hình, mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng xây dựng mô hình "Dân vận khéo" ở những địa bàn khó khăn, đặc thù. Hội Nông dân huyện xây dựng 2 mô hình "Dân vận khéo" của tập thể và 2 điển hình "Dân vận khéo" cá nhân; Hội nông dân các xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình "Dân vận khéo" của tập thể và 1 điển hình "Dân vận khéo" của cá nhân. Sau khi triển khai đã có 11/11 cơ sở Hội đăng ký thành lập mô hình "Dân vận khéo". Đến nay, toàn Hội có 39 mô hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, các mô hình đem lại hiệu quả rõ nét. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trong vận động tổ chức, cá nhân nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đô thị. Vận động nông dân tích tụ ruộng đất, liên kết phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu nông sản an toàn, mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Đặc biệt là việc vận động hướng dẫn thành lập được 17 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Các tổ liên kết sau khi thành lập đi vào hoạt động đã liên hệ mua giống cây, con cho các thành viên trong tổ đảm bảo chất lượng, giá thành hạ. Các thành viên trong tổ tham gia giúp nhau trao đổi ngày công, thu hoạch sản phẩm, mua sắm công cụ lao động chung để giảm chi phí đầu vào cho các thành viên; thường xuyên phối hợp với các Công ty, đại lý thức ăn cung cấp vật tư nông nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi, dịch vụ thuốc phòng trừ dịch bệnh cho các thành viên trong tổ, từ đó tiết kiệm được chi phí vận chuyển, giá thành hạ so với mua đơn lẻ từng hộ. Năm 2016, các tổ hợp tác, liên kết đã đứng ra cung ứng 250 tấn thức ăn chăn nuôi cho các thành viên; các thành viên trong tổ hợp tác đã xuất bán 50,5 tấn thịt lợn trị giá hơn 5 tỷ đồng. Tiêu biểu là: Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Ninh Khang, tổ hợp tác liên gia phát triển sản xuất VAC xã Ninh Vân.
Các mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực văn hóa-xã hội đã huy động được sự tham gia tích cực của hội viên, nông dân trong huyện về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh du lịch, bảo vệ môi trường, các hoạt động an sinh xã hội… Toàn huyện có 86% gia đình nông dân văn hóa. Cán bộ, hội viên nông dân trong huyện đã đóng góp 152 triệu đồng, hiến 112m2 đất, 336 ngày công, nạo vét 550m kênh mương; sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như: Hội Nông dân xã Ninh An góp 35 ngày công xây dựng Nhà tình nghĩa cho 2 hộ; Hội Nông dân xã Ninh Hải đóng góp 27 ngày công, 2,5 triệu đồng xây dựng Nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Nhạnh ở thôn Đam Khê Trong; Hội Nông dân xã Ninh Khang đóng góp 26 ngày công xây dựng Nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Viết ở thôn Phấn Thượng... Hội Nông dân các cấp xây dựng được 22 mô hình "Dân vận khéo" tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện công tác vệ sinh môi trường hàng ngày, nhiều hộ gia đình tự nguyện trồng cây xanh dọc tuyến đường khu du lịch, bỏ rác đúng thời gian quy định. 100% chi hội đều huy động hội viên tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào chiều thứ 7 hàng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn.
Lĩnh vực quốc phòng an ninh, công tác "Dân vận khéo" đã nâng cao sự hiểu biết, đồng thuận của cán bộ, hội viên trong chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Trong lĩnh vực tham gia xây dựng hệ thống chính trị, các cấp hội đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, nhiệt tình với công việc; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Thông qua phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã khơi dậy được tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của hội viên và nông dân, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, đồng thời góp phần củng cố và nâng cao chất lượng của tổ chức Hội, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Khải Hoàn