Ở xã Ninh Giang có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao, trong đó phải kể đến mô hình kinh tế gia trại tổng hợp nuôi trai lấy ngọc kết hợp nuôi gà lai Đông Tảo và nuôi cá thương phẩm của gia đình chị Bùi Thị Thu Hằng, xóm Tây, xã Ninh Giang. Chị Hằng chia sẻ: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của xã Ninh Giang và huyện Hoa Lư cho thuê 1,5 ha diện tích vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả, gia đình chị đã đầu tư phát triển mô hình gia trại tổng hợp vườn-ao-chuồng. Với ý chí quyết tâm làm giàu trên quê hương, gia đình chị Hằng đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng, quy hoạch hệ thống chăn nuôi phù hợp, duy trì mô hình tổng hợp gồm trên 2 nghìn con gà lai Đông Tảo, trên 10 nghìn con trai nước ngọt lấy ngọc và thả hàng nghìn cá giống các loại, mỗi năm thu hoạch 5-6 tấn cá thương phẩm, trừ hết chi phí, gia đình thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Mô hình của gia đình bà Nguyễn Thị Tương, hội viên nông dân thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên phát triển kinh tế bằng đưa cơ giới hóa và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bà Tương đã thuê lại ruộng đất của người dân trong thôn, đầu tư 2 máy cấy, 2 máy làm đất, 2 máy gặt và nhận cấy trên diện tích 9ha lúa bằng hình thức gieo vãi. Nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất lúa hàng hóa và trồng cây dược liệu, mô hình của gia đình bà Tương cho hiệu quả kinh tế cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm, được bình bầu, tuyên dương danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh giỏi cấp huyện.
Đồng chí Đinh Thị Thư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoa Lư cho biết: Trong định hướng chung của huyện Hoa Lư là phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, tiến tới xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu gắn với phát triển dịch vụ du lịch. Do đó, bám sát quan điểm chỉ đạo của UBND huyện, Hội Nông dân đã đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo", với mục tiêu, mỗi hội nông dân xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình "dân vận khéo" của tập thể và 1 mô hình "dân vận khéo" của cá nhân. Đặc biệt, không chỉ vận động các hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, Hội Nông dân huyện Hoa Lư còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ nông dân có cùng nhóm ngành, nghề, sản xuất kinh doanh thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã để phối hợp thực hiện mô hình, trao đổi kinh nghiệm, cùng hợp tác để phát triển kinh tế hiệu quả.
Nổi bật trong đó là Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ở xã Ninh Khang, với 13 thành viên, đầu tư nuôi các loại cá thương phẩm, hàng năm xuất bán trên 35 tấn cá, trừ chi phí, mỗi hộ gia đình trong Tổ thu lãi từ 80-100 triệu đồng/năm. Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Ninh Giang, gồm 23 thành viên, đầu tư nuôi thả cá các loại, mỗi năm xuất bán trên 20 tấn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/thành viên. Đồng thời, các thành viên trong tổ còn ký hợp đồng với Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt tỉnh để nhân nuôi cá giống, mang lại hiệu quả và thu nhập ổn định cho các thành viên trong tổ với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hay như Tổ hợp tác liên gia phát triển sản xuất VAC ở xã Ninh Vân có 16 thành viên, nhờ phối hợp cùng phát triển kinh tế cho thu nhập đạt từ 150-200 triệu đồng/năm/gia đình …
Trong giai đoạn 2016-2018, toàn huyện đã đăng ký xây dựng 76 mô hình "Dân vận khéo". Trong đó, có 43 mô hình tập thể và 33 mô hình cá nhân. Các mô hình "Dân vận khéo" gồm: 21 mô hình về phát triển kinh tế; 43 mô hình về văn hóa - xã hội; 8 mô hình về đảm bảo an ninh quốc phòng; 4 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Sau khi rà soát các mô hình, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện ra quyết định công nhận 40 mô hình "Dân vận khéo", trong đó có 17 mô hình tập thể và 23 mô hình cá nhân. Nổi bật trong đó là các mô hình: Mô hình "Dân vận khéo" tuyên truyền gieo thẳng cho năng suất cao tại các HTX Thắng Thành, Tụ An, Minh Hoa, xã Trường Yên; mô hình trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng Ai Cập của gia đình ông Nguyễn Văn Diện, thôn Đại áng, xã Ninh Hòa; mô hình trồng nấm, mộc nhĩ của gia đình ông Nguyễn Đức Trọng, thôn áng Sơn, xã Ninh Hòa; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình bà Tống Thị Sở, xóm 2 - La Mai, xã Ninh Giang…
Theo đánh giá, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị. Thông qua phong trào, Hội Nông dân huyện Hoa Lư đã và đang khơi dậy được tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của hội viên, nâng cao đời sống cho hội viên, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội, thu hút đông đảo hội viên tham gia vào các hoạt động phong trào, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh