Tính đến nay, dư nợ cho vay của NHCSXH huyện được ủy thác qua Hội nông dân đạt trên 27 tỷ đồng, trong đó dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo đạt trên 12 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên trên 7 tỷ đồng, chương trình cho vay nước sạch đạt trên 5 tỷ đồng…
Nhằm giúp hội viên nông dân nghèo được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện đã quán triệt đầy đủ các văn bản, quy định, nội dung về nghiệp vụ quản lý vốn vay xóa đói, giảm nghèo, nội dung ủy thác vốn giữa các cấp Hội và NHCSXH huyện cho cán bộ cơ sở và tổ trưởng tổ vay vốn để họ xác định được rõ vai trò, trách nhiệm của mình.
Hội đã phối hợp với NHCSXH huyện hướng dẫn cơ sở thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, khuyến khích các hộ nông dân nghèo tham gia để được vay vốn sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, Hội phối hợp với NHCSXH tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác cho vay về nghiệp vụ quản lý và sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Khi có nguồn vốn mới, Hội chỉ đạo các tổ vay vốn bình xét các hộ có nhu cầu vay vốn, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng.
Công tác giải ngân vốn được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định. Hàng năm, NHCSXH huyện cùng với Hội nông dân khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay tại các chi hội. Mỗi bên có trách nhiệm cụ thể và có những giải pháp thiết thực để hoạt động cho vay vốn đạt hiệu quả tốt hơn.
Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh như Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, các công ty vật tư nông nghiệp... tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, định hướng cho hội viên lựa chọn những mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp.
Từ đầu năm 2009 đến nay, Hội đã phối hợp với Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình, Phân lân NPK Việt Nhật tổ chức những buổi tập huấn kỹ thuật và dạy nghề cho gần 1.000 hội viên; phối hợp với Công ty TNHH thương mại VIC tổ chức xây dựng 1 tổ hợp chăn nuôi tại xã Gia Hòa có quy mô sản xuất trang trại với 18 hội viên tham gia; tập huấn kỹ thuật nhân giống khoai lang Nhật Bản; tổ chức lớp học mây tre đan truyền thống tại thôn An Thái, xã Gia Trung để truyền nghề cho nhiều hội viên nông dân trong huyện... Hầu hết nông dân đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều hộ đã thoát nghèo và nhiều hộ đã vươn lên làm giàu bằng các mô hình trang trại tổng hợp hoặc các mô hình kinh doanh khác; nâng tổng số trang trại của các hội viên trong huyện lên gần 200, trong đó có 4 trang trại trồng trọt, 91 trang trại nuôi trồng thủy sản, 68 trang trại chăn nuôi, 17 trang trại tổng hợp; 28 trang trại có thu nhập từ 100-200 triệu đồng; 152 trang trại có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm.
Các trang trại điển hình như trang trại chăn nuôi cá, ba ba, vịt của hội viên Nguyễn Đình Nguyên (xã Gia Thịnh); mô hình nuôi ba ba, cá của hội viên Nguyễn Văn Dương (xã Gia Hòa); mô hình nuôi tôm của hội viên Đỗ Danh Đảm (xã Gia Thắng); nuôi lợn, cá của hội viên Bùi Văn Ngưu (xã Gia Xuân); nuôi cá sấu, nhím của hội viên Trần Khắc Hảo (xã Gia Thanh)...
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế trang trại, còn có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong sản xuất hàng mỹ nghệ, khai thác đá, đóng tàu, thêu ren... tạo ra nhiều việc làm, cải thiện đời sống cho những lao động địa phương, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện.
Hương Giang