Năm 2018, tổng diện tích lúa gieo cấy trong toàn tỉnh là 76.162,8 ha với sản lượng khoảng 46 vạn tấn thóc đã có khoảng 15 vạn tấn thóc được bán ra thị trường. Lúa đặc sản chủ yếu được sản xuất ở trà mùa muộn với diện tích trong vụ mùa năm 2018 khoảng 2.600 ha, tập trung chủ yếu ở: Kim Sơn, và các xã phía Nam huyện Yên Khánh; huyên Hoa Lư, Nho Quan... và đang từng bước được mở rộng.
Giống lúa chủ lực được đưa vào sản xuất là: Nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, tám xoan, dự...Đây là những giống lúa có thời gian sinh trưởng dài, dễ chăm sóc, ít bị bệnh bạc lá và lùn sọc đen; tuy nhiên do thời điểm trỗ bông muộn nên cần chú ý phòng chống rầy và sâu đục thân cuối vụ.
Việc tiêu thụ lúa đặc sản chủ yếu là tự do. Nhưng gần đây chất lượng gạo của một số giống lúa đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường được mở rộng ...nên việc tiêu thụ lúa khá thuận lợi.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa nếp hạt cau với quy mô lớn: Kim Định (Kim Sơn) 313 ha, Kim Tân (Kim Sơn) 241 ha; Ân Hòa, Hùng Tiến, Như Hòa, Hồi Ninh (Kim Sơn) mỗi điểm khoảng 200 ha; Khánh Thành(Yên Khánh) 50 ha; Kỳ Phú, Văn Phú, Sơn Lai (Nho Quan) mỗi điểm khoảng 30 ha; Ninh Hải, Ninh Khang, Ninh Hòa (Hoa Lư) mỗi điểm có từ 30-40 ha... Đã có nhiều công ty, doanh nghiệp, thương lái về địa bàn đặt hàng thu mua sản phẩm trước khi thu hoạch.
Thực tế cho thấy giá trị của lúa đặc sản rất cao với nhóm lúa nếp từ 13.000-15.000 đồng/kg; lúa tám, dự dao động khoảng từ 20.000-22.000 đồng/kg; trong khi đó các loại giống lúa chất lượng cao khác chỉ có giá từ 6.000-8.000 đồng/kg. Như vậy hiệu quả kinh tế của lúa đặc sản gấp 1,5-2 lần so với lúa thường.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến việc ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa đặc sản của vụ mùa 2018 và vụ xuân 2019 giữa: Công ty cổ phần Giống cây trồng và Con nuôi Ninh Bình với HTX Đồng Xuân Tiến (Khánh Thành-Yên Khánh); Doanh Nghiệp Bảo Minh (Hà Nội) với HTX Đồng Xuân Tiến; Công ty An Thịnh Phong (Thanh Hóa) với HTX Đại Thành (Khánh Thành-Yên Khánh).
Đinh Chúc - Đức Lam