Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh; một số doanh nghiệp, xã, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất có nhu cầu liên kết trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là việc đưa các máy móc, thiết bị vào để thay thế sức lao động của con người nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm đang được quan tâm chú trọng. Đối với khâu gieo cấy, việc sử dụng máy cấy thay thế biện pháp gieo cấy bằng tay đã được áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ vụ xuân năm 2013 ở một số xã, HTX. Qua theo dõi và đánh giá mô hình cấy lúa bằng máy đem lại hiệu quả cao, năng suất lúa tương đương với cấy tay nhưng giảm được khá nhiều công lao động .
Đối với khâu BVTV, việc chuyển giao việc ứng dụng máy bay không người lái vào khâu BVTV đã được thực hiện ở nhiều địa phương, đây có thể coi là mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 đầu tiên trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Kết quả theo dõi đánh giá cho thấy hiệu quả phòng trừ tương đương như phun thủ công bằng tay, với thời gian phun nhanh hơn (15 phút/ha), giảm lượng nước pha thuốc tới 30 lần...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng việc ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy và BVTV ở Ninh Bình, bàn giải pháp để thực hiện trong thời gian tới; tham quan trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái tại mô hình trồng lúa chất lượng cao ở xã Khánh Trung.
Thông qua hội nghị, các HTX, doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi thông tin, liên kết áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và công nghệ thông minh trong sản xuất lúa, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn.
Tin, ảnh: Hoàng Hiệp