Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các kỳ thi năm 2020 tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT, các thành viên BCĐ kỳ thi THPT tỉnh Ninh Bình.
Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điểm mới, như: Giao cho địa phương tổ chức kỳ thi; các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi và chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi; Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ...
Phương án tổ chức kỳ thi năm nay dựa trên căn cứ về thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 và phù hợp với thực tế dạy và học do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, sẽ tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật Lý, Hóa học, Sinh học) và 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).
Nội dung thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Ngoài môn Ngữ Văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Thời gian tổ chức thi trong 2 ngày (9 và 10/8); công bố kết quả thi vào ngày 27/8. Kết quả thi là cơ sở xét công nhận tốt nghiệp THPT; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi của Bộ GD&ĐT và các địa phương cơ bản hoàn thiện, từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất đến huy động cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi, phục vụ kỳ thi theo lộ trình đặt ra của Bộ GD&ĐT.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố và các đại biểu đã thảo luận, kiến nghị một số giải pháp trong điều kiện vừa tổ chức kỳ thi vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như phòng thi dự phòng, bài thi dự phòng, thực hiện giãn cách theo quy định... Đại diện một số địa phương nêu ý kiến, kiến nghị, trong điều kiện dịch bệnh tại địa phương diễn biến phức tạp, lây lan rộng, có thể nghiên cứu dừng hoặc hoãn kỳ thi tại địa phương... Cùng với đó là vấn đề về an ninh trật tự, an toàn giao thông, các phương án chủ động khi mưa bão, lũ lụt xảy ra...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kỳ thi năm nay diễn ra trong điều kiện đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, phát sinh nhiều việc, do đó Bộ GD&ĐT và BCĐ các địa phương cần tập trung, bám sát yêu cầu, phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch thực hiện; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ thi.
Đặc biệt, BCĐ kỳ thi các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể, sát sao, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để tổ chức kỳ thi trung thực, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Đối với các ý kiến, kiến nghị của một số địa phương, tùy vào diễn biến tình hình dịch bệnh, Bộ GD&ĐT sẽ có sự chỉ đạo cụ thể, phù hợp, với phương châm cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh và sự yên tâm, đồng thuận của xã hội...
Đối với tỉnh Ninh Bình, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến tổ chức tại 24 điểm thi ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có trên 9,2 nghìn thí sinh đăng ký dự thi với 404 phòng thi. Trong đó, số thí sinh dự thi có nguyện vọng xét tuyển đại học là trên 6,6 nghìn thí sinh, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là gần 2,6 nghìn thí sinh. Toàn tỉnh có 337 thí sinh tự do.
Sở GD&ĐT cũng điều động 1.343 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi; 74 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra tại các điểm thi.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, ngành Giáo dục và các ngành liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, đã phối hợp chuẩn bị, thực hiện các điều kiện cho kỳ thi tại địa phương, ở từng điểm thi. Ngành Giáo dục Ninh Bình cũng động viên cán bộ, giáo viên và học sinh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đạt kết quả cao nhất.
Mỹ Hạnh- Minh Quang