Tại điểm cầu Ninh Bình có đại diện lãnh đạo: Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở Tài chính, Công thương, Cục quản lý thị trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu và bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020. Tính đến ngày 10/5/2021, đã có trên 1.660 ổ dịch xảy ra tại 1.622 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh trên 44.700 con, số chết và tiêu hủy trên 5.100 con. Dự báo trong thời gian tới dịch bệnh VDNC sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi, mùa phát triển của các loại véc-tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,...).
Để công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh VDNC đảm bảo kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, Bộ NN và PTNT yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC theo quy định của pháp luật về thú y và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh, thành phố…
Tại hội nghị, đại diện Cục Thúy y, Cục Chăn nuôi và chuyên gia tổ chức FAO trình bày báo cáo, đánh giá các hoạt động thuộc lĩnh vực. Đại diện các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ngãi báo cáo tình hình bệnh VDNC trên trâu, bò, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong công tác triển khai phòng, chống sự lây lan bệnh cũng như những đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành.
Hội nghị cũng nhấn mạnh, các địa phương đang có dịch bệnh VDNC cần thực hiện công bố dịch theo quy định; tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài;
Tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin, giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng,... truyền bệnh.
Cùng với đó, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò; Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống bệnh VDNC tại cơ sở.
Đối với tỉnh Ninh Bình, từ ngày 23/12/2020 bệnh VDNC trâu, bò xuất hiện đầu tiên tại thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô). Đến hết ngày 24/5/2021 trên địa bàn tỉnh bệnh VDNC đã xảy ra ở 8 huyện, thành phố làm 3.103 con trâu, bò mắc bệnh của 1.651 hộ, tại 476 thôn, xóm thuộc 96 xã, phường, thị trấn (trong đó đã tiêu hủy 418 con, trọng lượng 53.238 kg).
Nguyên nhân lây lan bệnh VDNC trâu, bò ở Ninh Bình chăn nuôi chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, chăn thả tự do nên việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh còn hạn chế; hoạt động giết mổ chủ yếu là nhỏ lẻ và chưa được kiểm soát; dịch bệnh lây lan nhanh thông qua vật chủ trung gian là ruồi, nhặng, ve, mòng mang mầm bệnh di chuyển rộng phát tán bệnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh VDNC trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh việc tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn người dân chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế các thành phố), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và UBND các xã, thị trấn có ổ dịch bệnh kiểm tra thực tế tình hình dịch bệnh tại hộ chăn nuôi; rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã có ổ dịch bệnh, đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn xã ký cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường; phối hợp tổ chức tiêu hủy gia súc mắc bệnh, gia súc chết đảm bảo theo quy định.
Tổ chức cấp hỗ trợ (2 đợt) với 33.000 liều vắc xin tiêm phòng bệnh VDNC cho 24.460 con trâu bò; cấp 9.500 lít hóa chất (TC-01 PLUS) cho các huyện, thành phố tổ chức tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh (từ ngày 10/4 đến ngày 10/5) , cấp hỗ trợ 77 tấn vôi bột cho các xã, phường, thị trấn (trọng điểm dịch) thực hiện công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc.
Để công tác phòng, chống bệnh VDNC đạt hiệu quả cao, đề nghị các cấp, ngành sớm xây dựng và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho chủ vật nuôi có trâu, bò bị bệnh phải tiêu hủy và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh VDNC.
Minh Đường- Anh Tuấn