Cùng dự hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Thanh tra Chính phủ; đại diện lãnh đạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Phan Thành Công, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì điểm cầu; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; các phòng chuyên môn Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 được tổ chức từ ngày 7-8/7/2021. Toàn quốc có 1.020.241 thí sinh đăng ký dự thi.
Các bài thi được tổ chức tại Kỳ thi gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (viết tắt là KHTN) gồm các môn thể thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (viết tắt là KHXH gồm các môn thể thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GDĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung với bốn nhiệm vụ chính như ban hành văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi; ra đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi; xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương, đặc biệt là phần mềm và quy trình chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm tuyệt đối an toàn; công tác thanh tra, kiểm tra các khâu tổ chức Kỳ thi.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi ở địa phương.
Từ nay đến ngày diễn ra Kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi theo kế hoạch; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức Kỳ thi. Tiếp tục bám sát tình hình để hoàn thiện phương án tổ chức thi trong tình huống bất thường, đặc biệt là chuẩn bị phương án để hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức thi trong điều kiện chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Tổ chức các đoàn kiểm tra của Lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đến kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi, công tác kiểm tra coi thi, chấm thi tại địa phương.
UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố và phối hợp chặt chẽ với Bộ GDĐT trong triển khai Kỳ thi; quan tâm bố trí các phòng thi cho thí sinh liên quan dịch bệnh COVID-19, giải pháp tổ chức tránh lây chéo từ các thí sinh diện F1, F2; bảo đảm các điều kiện tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng…
Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 các tỉnh, thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 đã tham luận các giải pháp cụ thể, phù hợp với địa phương trong công tác chuẩn bị cho tổ chức kỳ thi; đặc biệt phương án tổ chức kỳ thi ở những địa phương tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp; công tác an ninh trật tự, đảm bảo tổ chức Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng…
Tại tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 26/5/2021, toàn tỉnh có 11.079 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, dự kiến với 485 phòng thi tại 24 điểm thi chính thức và 24 điểm thi dự phòng của Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình. Bên cạnh công việc đã triển khai chuẩn bị cho Kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là hệ thống máy tính, camera; các điều kiện an toàn cho kỳ thi; hồ sơ, nhân sự tham gia kỳ thi, văn phòng phẩm… để kỳ thi diễn ra đúng lịch trình, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công bằng, khách quan.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Kỳ thi năm nay tiếp nối các kỳ thi năm trước trong công tác tổ chức thi, tuy nhiên kỳ thi cần tinh thần trách nhiệm, chủ động tổ chức Kỳ thi, không lơ là, chủ quan trong các công tác tổ chức. Đảm bảo mục tiêu kép trong tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, an toàn mùa dịch.
Các ngành, cơ quan trung ương phối hợp tổ chức có kế hoạch, triển khai bài bản, kịp thời các nội dung của Bộ, ngành đảm nhiệm. Các địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo; đã triển khai kế hoạch Ban chỉ đạo thi; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự chuẩn bị tốt nhất.
Thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp và hỗ trợ ngành giáo dục trong công tác thi; các địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo công tác thi với tinh thần vừa tổ chức an toàn kỳ thi, chủ động phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Y tế ban hành giải pháp ứng phó dịch bệnh và chính sách phòng, chống dịch bệnh, để từ đó các địa phương thực hiện dễ dàng, đồng bộ, đạt kết quả cao.
Toàn ngành Giáo dục sẵn sàng tinh thần tổ chức Kỳ thi trong tình huống "đặc biệt" nên sẽ vất vả, nhiều thách thức. Nhưng với sự chủ động trong công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi, quyết tâm sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công bằng, khách quan.
Hồng Vân- Minh Quang