Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/8/2020. Kỳ thi được tổ chức với 5 bài thi gồm: 3 bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm 3 môn thành phần là Vật lí, Hóa học và Sinh học và bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) gồm 3 môn thành phần là Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân. Ngoài môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Về thời gian làm bài thi, với môn Ngữ văn 120 phút, Toán 90 phút, Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.
Điểm mới của kỳ thi năm nay là tăng cường tính tự chủ của các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi, chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi.
Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, thời gian triển khai các phần việc như, hoàn thành tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các Sở GD&ĐT chậm nhất ngày 10/6. Các Sở GD&ĐT hoàn thành tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ làm công tác thi trước ngày 15-6; thành lập Ban Chỉ đạo thi các cấp trước ngày 15/6; đăng ký dự thi, nhận phiếu đăng ký dự thi và nhập dữ liệu của thí sinh vào hệ thống quản lý thi từ ngày 15/6 đến hết ngày 30/6; hoàn thành tập huấn phần mềm chấm thi trắc nghiệm chậm nhất ngày 10/7…
Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không còn nhiều, vì vậy, các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra. Chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt việc dạy học, ôn tập theo nội dung chương trình, định hướng của Bộ GD&ĐT, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT các địa phương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ thi cho các bộ phận làm công tác thi. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho chấm thi, coi thi, vấn đề an ninh, an toàn trong quá trình diễn ra kỳ thi; các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác thông tin truyên truyền về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020...
Tại tỉnh Ninh Bình, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có 8.723 thí sinh dự thi, gồm cả thí sinh THPT và GDTX. Kỳ thi được tổ chức đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đúng lịch trình. Công tác chuẩn bị đã được chú trọng, chu đáo trong tất cả các khâu, các công đoạn của kỳ thi.
Tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh, đảm bảo an ninh, an toàn cho các điểm thi, nơi làm việc của các ban thuộc Hội đồng thi.
Kết quả, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 97,88%, trong đó, hệ THPT đạt 98,95%, hệ GDTX đạt 87,87%. Điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh Ninh Bình đạt 5,81, xếp thứ 3 toàn quốc. Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, GDCD đều nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có điểm trung bình môn cao nhất toàn quốc.
Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, nhiều năm qua, Ninh Bình luôn là tỉnh tổ chức các kỳ thi THPT quốc gia minh bạch, nghiêm túc, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc. Những kết quả đạt được trong công tác tổ chức các kỳ thi thời gian qua là điều kiện và niềm tin để tỉnh Ninh Bình tiếp tục phấn đấu tổ chức kỳ thi năm 2020 nghiêm túc, thành công, nhất là khi kỳ thi được giao quyền chủ động hoàn toàn cho tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thống nhất, đề nghị Sở GD&ĐT thực hiện các bước theo quy trình, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về thanh tra ba cấp, gồm thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra tỉnh và thanh tra thuộc Sở GD&ĐT.
Đồng thời, ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan như Sở Tài chính, Công an, Thanh tra tỉnh... xây dựng kế hoạch, thực hiện các bước trong quy trình triển khai nhiệm vụ theo quy định; phối hợp thực hiện tốt kỳ thi, đảm bảo khách quan, minh bạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để xảy ra tiêu cực trong thi cử...
Hạnh Chi - Trường Giang