Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT liên tục triển khai "Năm chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm", đặc biệt năm 2016 được chọn là Năm cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ và các địa phương đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, 50 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Đây là kết quả ban đầu hết sức quan trọng làm cơ sở cho việc nhân rộng trong thời gian tới nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và gắn kết với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm.
Năm 2016, hoạt động giám sát ATTP tập trung vào các sản phẩm nông thủy sản tươi sống. Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ thực hiện cho thấy: tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol là 6/1.345 mẫu (chiếm 0,44%), giảm so với năm 2015; 12/293 mẫu rau củ, quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng (4,1%); 11/1.345 mẫu thịt chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng (0.82%). Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép lại tăng so với năm 2015. Các trường hợp vi phạm đã được cơ quan chức năng cảnh báo, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, thanh tra, truy xuất, xử lý nhằm ngăn chặn tái phạm.
Năm 2016, trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, các cơ quan trung ương và địa phương đã tổ chức thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 29.214 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện và xử lý 3.877 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng, ATTP (chiếm 13%), xử phạt hành chính gần 22 tỷ đồng. Đối với việc quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản, các cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra 21.364 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện và xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định với tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 6 tỷ đồng.
Trong năm 2016, tỉnh ta đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo ATTP. Trong năm, tỉnh đã tiến hành kiểm tra 156 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, phát hiện 1 cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm; có 2/47 mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV và 3/47 mẫu có hàm lượng Nitrit vượt ngưỡng cho phép; không có trường hợp tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt tươi, nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản. Đặc biệt, trong năm vừa qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm nào.
Năm 2017 được xác định là năm cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Với mục tiêu đề ra là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dự thuốc BVTV trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 10%. Tất cả các tỉnh, thành phố phải phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và tổ chức kiểm tra, giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai nhóm giải pháp tổng thể để thực hiện tốt công tác giữ ATTP. Yêu cầu các đơn vị của Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời yêu cầu các tỉnh cần tăng cường việc thực hiện các thiết chế pháp luật qua công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm; gắn kết 2 chương trình là tái cơ cấu kinh tế ngành và xây dựng nông thôn mới, triển khai đồng bộ có hiệu quả để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản.
Đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng chí nhấn mạnh: Trong năm 2017, tỉnh ta cần tập trung, thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo ATTP. Tiếp tục nhân rộng chuỗi cung ứng nông, lâm thủy sản an toàn để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Đồng chí cũng yêu cầu cơ sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương triển khai kế hoạch cụ thể, ứng với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Thái Học