Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại biểu các sở, ban, ngành, các phòng GD- ĐT huyện, thành phố và các trường THPT...
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ của thời đại về khoa học, công nghệ và xã hội; phù hợp với đặc điểm con người, văn hóa Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Theo Kế hoạch, Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp (gọi tắt là các môn học lựa chọn) và các môn học tự chọn.
Thời gian thực học trong 1 năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày và đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và từ năm 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Tại hội nghị, đại diện các Vụ Giáo dục trung học, Cục Nhà giáo cán bộ, Cục Cơ sở vật chất đã báo cáo đề dẫn về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, về tập huấn giáo viên, về chuẩn bị cơ sở vật chất. Cùng với đó, các đại biểu tham gia thảo luận làm rõ những nội dung liên quan trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung vào các nội dung: Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất... cần được tập trung thực hiện theo lộ trình, đồng bộ, từng bước, lâu dài..., đảm bảo thực hiện hiệu quả, phù hợp, vững chắc, tạo sự đồng thuận trong toàn ngành và các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị ngành Giáo dục các tỉnh cần tham mưu, đề xuất với UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT từ năm học 2020-2021. Tổ chức tập huấn, quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đảm bảo thực hiện hiệu quả, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của Chính phủ...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện hiệu quả, từng bước vững chắc chương trình giáo dục phổ thông mới.
Mỹ Hạnh- Minh Quang