Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) là chương trình được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học/hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học với định hướng phát triển toàn diện cả phẩm chất, năng lực học sinh. Chương trình được thực hiện từ năm 2018 và hiện nay đang bước vào giai đoạn trọng tâm.
Phát biểu thảo luận, đại biểu ở các điểm cầu đều khẳng định rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới là hướng đi đúng đắn, xu thế tất yếu cần được thực hiện. Các địa phương đã và đang tiếp tục đầu tư dồn lực để thực hiện các chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng nêu các điều kiện triển khai về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tại tỉnh Ninh Bình, tính đến tháng 3/2022, toàn tỉnh có 322 đơn vị trường học với trên 187 nghìn học sinh. Ngành Giáo dục Ninh Bình có trên 15 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chuẩn bị đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Xác định số lượng, chủng loại giáo viên còn thiếu và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Cũng trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí, UBND các huyện, thành phố đã bố trí kinh phí để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học với tổng kinh phí trên 189 tỷ đồng. Các địa phương và cơ sở giáo dục rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có một cách hợp lý, bảo đảm đủ phòng học nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất trong cơ sở giáo dục...
Hiện nay, tỉnh ta đã tổ chức xong việc lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục phổ thông và đang trình UBND tỉnh thành lập Hội đồng lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 cấp tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã biên soạn xong bản mẫu, đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý và chuẩn bị thành lập Hội Đồng thẩm định nội dung tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Ninh Bình lớp 3, lớp 7 và lớp 10 để hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt vào tháng 4/2022 theo đúng quy định.
Đặc biệt, ngành Giáo dục và đào tạo đã tăng cường các giải pháp nhằm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tranh thủ "thời gian vàng" để dạy và học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi, đồng thời rả soát, nâng cấp hạ tầng, thiết bị, đường truyền Internet đảm bảo sẵn sàng các điều kiện dạy trực tuyến.
Trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát, các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục, triển khai các hình thức tổ chức dạy hoc: trực tuyến, trực tiếp, trực tiếp kết hợp trực tuyến, khai thác các ứng dụng phổ biến, thông dụng khác vào công tác dạy và học…
Tuy vậy, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông của tỉnh cũng còn một số khó khăn. Cụ thể, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số bộ môn, đối với THPT, chưa có giáo viên dạy môn âm nhạc, mỹ thuật; một số trường THPT chưa có đủ phòng học bộ môn. Một số trường thiết bị dạy học chưa đầy đủ, đồng bộ.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đào Hằng- Minh Quang