Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương;
Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì điểm cầu của tỉnh. Cùng dự có các đồng chí đại diện các sở, ban, ngành; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các huyện, thành phố; Hiệu trưởng các trường Cao đẳng, Đại học, Trung học chuyên nghiệp, THPT; lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trước khi tổ chức hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động trong toàn ngành ủng hộ đồng bào miền Trung; kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ đồng bào miền Trung, đặc biệt là giúp nhà trường, học sinh miền Trung vượt qua khó khăn. Tại điểm cầu Ninh Bình có 46 đại biểu ủng hộ 12 triệu đồng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm học 2019-2020 là năm học đặc biệt khó khăn với ngành GD-ĐT do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kế hoạch năm học được điều chỉnh phù hợp vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo nhiệm vụ năm học với phương châm "sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên và giáo viên là trên hết" và "tạm dừng đến trường không dừng học".
Đã có gần 50% trường đại học dạy học trực tuyến, tỷ lệ học sinh phổ thông được học qua internet đạt tỷ lệ 79,7%; có nhiều phương pháp, hình thức giáo dục mới được thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tại tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Ngành thực hiện tốt mục tiêu kép tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo sự nghiêm túc, khách quan, công bằng của kỳ thi.
Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm gần đây đã nề nếp, chất lượng hơn, giảm nhiều áp lực, tốn kém cho thí sinh và các trường so với trước đây; Bộ tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với một số ngành đặc thù.
Việc triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, hầu hết các địa phương có đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới và cơ bản đáp ứng yêu cầu đối với lớp 1, năm học 2020-2021.
Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà được nâng lên, sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới, theo đánh giá PISA, điểm khoa học Việt Nam đứng thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 4 bậc so với năm 2015; điểm đọc hiểu cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 19 bậc so với năm 2015.
Giáo dục mũi nhọn giữ vững thành tích đáng tự hào, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã đạt 212 huy chương, bằng khen tại các kỳ Olympic quốc tế và khu vực…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận những kết quả ngành Giáo dục đã đạt được cũng như những nỗ lực đóng góp của hơn 1,3 triệu giáo viên và hàng nghìn cựu giáo chức cho sự nghiệp giáo dục; sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền đã đầu tư cho giáo dục; các tổ chức quốc tế luôn luôn giúp đỡ Việt Nam thực hiện hội nhập.
Đồng chí nhấn mạnh, giáo dục là quốc sách hàng đầu vì vậy các tỉnh, thành phố cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường và chế độ giáo viên; tập trung hơn đến khái niệm văn hóa trong giáo dục, mỗi nhà trường cần xây dựng là một biểu tượng văn hóa trong giáo dục để tránh các tiêu cực trong sự phát triển; giáo dục luôn phải đi trước một bước, phải hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; giáo dục đại học phải xếp hạng của quốc tế; giáo dục phổ thông phải bình đẳng về cơ hội.
Các thiết chế về giáo dục không chỉ của chính quyền mà gồm cả cộng đồng quản lý. Đổi mới giáo dục là cả một quá trình cần sự kiên trì, cần phải làm kiên định từ trên xuống cơ sở, lấy đổi mới từ trong giáo dục sau mới đến giáo viên và ra ngoài xã hội. Ngành giáo dục cần là ngành đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số…
Hồng Vân- Minh Đường