Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành liên quan và cán bộ, lãnh đạo ngành BHXH Ninh Bình.
Sau 25 năm tổ chức thực hiện nhiệm vụ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức qua nhiều thế hệ, ngành BHXH đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Nổi bật là đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hế thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia; triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật;
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH chiếm trên 32%; tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm trên 27%; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90% dân số; cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị...
Đối với BHXH Ninh Bình, 25 năm qua cũng đã đạt được những kết quả toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nếu như năm 1995, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 195 đơn vị tham gia BHXH cho 26.807 lao động với số tiền thu được là 5,7 tỷ đồng, thì đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH, BHYT đạt trên 894 nghìn người, số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN đạt trên 2.796 tỷ đồng, bằng 106,7% kế hoạch.
Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đã có 100% đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHYT; gần 100% đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT... Ninh Bình cũng là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước có 100% đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi được ngân sách tỉnh cấp kinh phí mua thẻ BHYT....
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt gần 91%. Ngành BHXH cũng không ngừng cải cách thủ tục hành chính trong công tác giám định, đưa phần mềm tin học vào khâu thanh quyết toán, góp phần giảm bớt phiền hà cho đối tượng. Kết quả, năm 2003, toàn tỉnh có 429.000 lượt người đi KCB BHYT, với chi phí 11 tỷ đồng; đến năm 2019, số lượt người dân đi KCB BHYT tăng lên trên 1,8 triệu lượt người, chi phí số tiền trên 980 tỷ đồng...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH trong 25 năm qua; khẳng định, những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã từng bước khẳng định đây là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đóng góp quan trọng vào thành tựu thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 28 của BCH Trung ương Đảng khóa XII đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm lớn trong các nghị quyết, đổi mới toàn diện cả nội dung và hình thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện và thực hiện tốt các chế độ chính sách BHXH, BHYT, phát triển ngành phù hợp với điều kiện KT-XH của đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.
Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; nâng cao năng lực quản lý, thanh, kiểm tra để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Mỹ Hạnh- Minh Quang