Đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân được triển khai thực hiện nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu đến năm 2020 đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.
Để triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã ban hành dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020". Theo đó, kế hoạch được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn 2008-2011 đã và đang triển khai thực hiện các nội dung để chuẩn bị các điều kiện thực hiện thí điểm các chương trình ngoại ngữ mới chuẩn bị để triển khai đại trà ở các cấp học phổ thông. Năm học 2010-2011 đã tiến hành thí điểm chương trình 10 năm ở phổ thông ở 1 trường tiểu học Kim Định (Kim Sơn); giai đoạn 2012-2015, trọng tâm là triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông và chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với các cấp học; giai đoạn 2016-2020 trọng tâm là triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên quy mô toàn tỉnh và triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học…
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ghi nhận và biểu dương sự đóng góp của các đại biểu vào dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án.
Về lộ trình thực hiện cần nêu rõ, từng chỉ tiêu cụ thể trong từng huyện theo từng năm học và khối các trường trung cấp nghề, đại học, cao đẳng. Về đội ngũ, Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT cần cung cấp cụ thể chất lượng giáo viên tiếng Anh cho huyện, thành phố, thị xã về kết quả các đợt khảo sát chất lượng giáo viên để quản lí chặt chẽ hơn về chất lượng, chú trọng tới việc đào tạo đội ngũ và phát huy tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Để Đề án của tỉnh sớm ban hành, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Sở GD-ĐT sớm hoàn thiện dự thảo, bổ sung ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với bản dự thảo Đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành. Sau khi kế hoạch ban hành, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện; đối với 3 đơn vị là Sở LĐ,TB&XH, Đại học Hoa Lư, trường Cao đẳng Y tế xây dựng kế hoạch thực hiện.
Riêng ngành GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo tổ chức tốt việc đào tạo và đào tạo lại, trao đổi kết quả đào tạo với các huyện, thành phố, thị xã và ngành GD-ĐT sớm có dự kiến lộ trình đưa môn ngoại ngữ vào thi tuyển sinh THPT. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về tác dụng khi thực hiện Đề án...
Hồng Vân