Các đại biểu dự hội nghị.
Năm học 2015-2016, ngành GD&ĐT Ninh Bình đã triển khai thực hiện tốt 18 chỉ tiêu, trong đó có 12 chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, tiếp tục khẳng định vị thế của Giáo dục Ninh Bình trong tốp các tỉnh dẫn đầu về chất lượng giáo dục đào tạo của cả nước.
Nổi bật là, quy mô trường lớp cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở các cấp học, bậc học đều tăng.
Kết quả phổ cập giáo dục các cấp tiếp tục được củng cố và duy trì. Chất lượng giáo dục của các cấp học có bước phát triển; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở cả thể nhẹ cân và thấp còi so với đầu năm học ở bậc học mầm non. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi ở bậc phổ thông tăng.
Kết quả thi quốc gia THPT năm 2016, Ninh Bình duy trì ở tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước, có điểm trung bình các môn thi cao thứ 4 toàn quốc: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn tỉnh đạt 97,41%, trong đó cụm thi đại học đạt 99,15%, cụm thi tốt nghiệp đạt 94,92%.
Thí sinh dự thi tại cụm thi do Đại học Mỏ - Địa chất chủ trì có tổng điểm thi 3 môn theo tổ hợp môn xét tuyển đại học, cao đẳng đạt từ 15 điểm trở lên (ngưỡng điểm xét tuyển Đại học năm 2015) đạt 76,64% tổng số học sinh, trong đó có em Trần Bùi Xuân Dự, trường THPT Kim Sơn A đạt thủ khoa 3 khối thi A, A1 và khối D.
Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia và khu vực được ổn định qua nhiều năm, ở cả các cấp học. Điều đó khẳng định chất lượng giáo dục Ninh Bình ngày càng hòa nhập tốt hơn với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt trong năm học 2015-2016 có 2 em Ngô Đức Thắng và Phạm Thành Trung, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ đã có sáng chế khoa học kỹ thuật "Máy hàn cắt kim loại, đánh bóng mica, inox sử dụng nguyên liệu nước" đạt Huy chương Vàng tại Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ Châu Á tổ chức vào tháng 5/2016 tại Malaysia, được Hội đồng giám khảo quốc tế đánh giá cao là một giải pháp thông minh, có khả năng áp dụng cao vào thực tế.
Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học tiếp tục được tăng cường. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa toàn tỉnh đạt 85,4%, tăng 0,6% so với năm học trước, số trường đạt chuẩn Quốc gia toàn tỉnh là 383/469 trường, đạt tỉ lệ 81,7%, tăng hơn 2% so với năm học trước.
Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tiếp tục tăng, cơ bản đủ về số lượng và tương đối đồng bộ về cơ cấu. Hầu hết các thầy, cô giáo nhiệt tình, tâm huyết với nghề, tích cực, chủ động học tập bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh biểu dương và ghi nhận những thành tích mà toàn Ngành giáo dục đào tạo đã đạt được trong năm học vừa qua.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Đồng thời chỉ ra những hạn chế còn tồn tại và những bất cập cần được ngành tập trung khắc phục, như cần có các giải pháp mạnh để có bước đột phá cho sự phát triển giáo dục đào tạo tỉnh nhà; công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài còn chậm đổi mới, chưa có nhiều điển hình tiên tiến, xuất sắc; kết quả học tập giữa các vùng, miền không đồng đều; việc xây dựng trường học trọng điểm chất lượng cao chưa được chỉ đạo quyết liệt; việc quản lý dạy thêm, học thêm và thực hiện hiện các khoản thu trong nhà trường có nơi còn chưa nghiêm túc; chưa khắc phục được tình trạng cơ cấu, chủng loại giáo viên tiểu học, THCS không đồng bộ, mất cân đối ở một số địa phương…
Năm học 2016-2017, là năm học khởi đầu cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; đặc biệt, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng về giáo dục và đào tạo theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII "Giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu toàn ngành GD&ĐT cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như:
Tập trung giáo dục cho học sinh phương pháp học tập đúng đắn, chú ý rèn luyện giáo dục đạo đức học sinh những phẩm chất, đức tính tốt đẹp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Triển khai thực hiện 4 nghị quyết về lĩnh vực giáo dục đào tạo mà HĐND tỉnh kỳ họp thứ 2 vừa thông qua, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; nhất là nghị quyết về quy định mức học phí từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 của tỉnh Ninh Bình.
Xây dựng kế hoạch đào tạo và tuyển dụng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, chủng loại và cơ cấu. Chú trọng xây dựng hệ thống giáo viên cốt cán ở tất cả các bộ môn phục tốt cho công tác giảng dạy và chuẩn bị đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các cấp học, bậc học; chú ý đến công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề và học sinh tốt nghiệp THPT đi học chuyên nghiệp để tạo tính hiệu quả cho công tác phổ cập và dạy nghề.
Tập trung đổi mới cách dạy về đạo đức, giáo dục công dân, các kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Chủ động đón nhận những đổi mới phương pháp giáo dục, chương trình, sách giáo khoa ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng học sinh giỏi và kết quả thi đại học, cao đẳng.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và giảng dạy. Tăng cường công tác giáo dục chính trị- tư tưởng, đạo đức; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, từng bước tạo ra sự chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đồng bộ hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.
Thực hiện mua sắm và tự làm đủ đồ dùng dạy học, từng bước xây dựng phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, xây dựng thư viện, đảm bảo đủ các điều kiện về sách giáo khoa, thiết bị dạy học, phòng học để thực hiện có hiệu quả việc dạy chương trình và sách giáo khoa mới.
Chỉ đạo các đơn vị nhà trường tham mưu với các địa phương về thực hiện Quy hoạch mạng lưới trường lớp học theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, chú ý về sự tăng dân số của các độ tuổi để đảm bảo số lượng phòng học phục vụ nhu cầu học tập của xã hội.
Tập trung chỉ đạo xây dựng cho được trường trọng điểm chất lượng cao, từ đó tổng kết rút kinh nghiệm triển khai cho các năm học tiếp theo. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng khung tiêu chí của trường trọng điểm chất lượng cao và hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, Sở Giáo dục và đào tạo cần tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Đề án xây dựng trường THPT chuyên tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo Quyết định số 959 ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020…
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc cho trường THPT Kim Sơn B; Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Bùi Đức Chơng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT và ông Tạ Duy Bình, Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn A, do có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục.
Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2015-2016...
Mỹ Hạnh-Minh Quang