Bộ luật Dân sự năm 2005 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự. Bộ luật này cũng là nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là quan hệ dân sự).Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Bộ luật Dân sự năm 2005 đánh dấu bước phát triển mới, khẳng định một diện mạo mới không chỉ của pháp luật dân sự mà của cả hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về các quyền tự do, bình đẳng về nhân thân và tài sản cá nhân, tổ chức và có cơ chế bảo đảm, bảo vệ thích hợp; chế độ sở hữu, quy định các hình thức sở hữu, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu; hoàn thiện thêm một bước các quy định về quyền của các chủ thể đối với tài sản của người khác, bảo đảm an toàn pháp lý cho các chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự…
Qua 8 năm thi hành Bộ luật Dân sự, hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, công tác công chứng, chứng thực đăng ký tài sản và giao dịch cũng được phát triển cả về lượng và chất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ luật Dân sự năm 2005 còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, Bộ luật Dân sự và hệ thống văn bản luật trong hệ thống luật tư còn chưa thể hiện đầy đủ các yêu cầu đối với hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền về tính ổn định, khái quát, hệ thống, dự báo và minh bạch. Hệ thống văn bản hướng dẫn còn nhiều "tầng lớp", "cấp độ" khác nhau. Một số lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự chưa có văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời hoặc chưa cụ thể, khó thực thi trên thực tế.
Bộ luật Dân sự chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu là nền tảng pháp lý cơ bản của hệ thống luật tư, thiếu vắng những quan điểm lý luận có tính hệ thống về việc phân định quyền tài sản theo nguyên lý vật quyền và trái quyền.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, tổ chức, các cán bộ làm công tác thực thi Bộ luật Dân sự trong thời gian qua và khẳng định: qua 8 năm thi hành, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ ra những bất cập hiện nay của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã ảnh hưởng đến hiệu quả của văn bản quan trọng này nói riêng và pháp luật dân sự nói chung, làm cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước, Phó Thủ tướng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005 là hết sức cần thiết.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Bộ luật này nằm trong bối cảnh Hiến pháp 1992 cũng đang được tích cực chuẩn bị sửa đổi theo hướng lần đầu tiên đưa vào đạo luật gốc những quy định bảo vệ quyền con người, quyền công dân và cách thức thực hiện.
Do đó, việc sửa đổi lần này phải thể hiện được hai quan điểm rất quan trọng. Thứ nhất,Bộ luật phải thực sự trở thành nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ có chủ thể bình đẳng, tự thỏa thuận, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm.
Thứ hai,Bộ luật phải thực sự trở thành Bộ luật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo được cú hích đáng kể cho sự phát triển của các quan hệ thị trường, thúc đẩy sự chủ động sáng tạo của các chủ thể tham gia các hoạt động giao lưu dân sự, hạn chế thấp nhất sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào giao lưu dân sự.
Trong quá trình hoàn thiện Báo cáo tổng kết và hoàn thiện các quan điểm, định hướng xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi), cần chú trọng việc kế thừa, phát huy các quy định có tính truyền thống mang bản sắc riêng và hợp lý của pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ phát triển gắn với các tập quán, đạo đức tốt đẹp của dân tộc; tham khảo kinh nghiệm xây dựng Bộ luật Dân sự của các nước trên thế giới, nhất là các nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, bảo đảm cho Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, đồng thời mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận làm rõ những bất cập, hạn chế trong thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005; mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn trong sửa đổi, bổ sung Bộ luật, trên cơ sở đó giúp Hội nghị có cái nhìn toàn diện, khách quan, đầy đủ luận cứ khoa học và thực tế để có thể đưa ra những giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan hệ dân sự./.
Theo Dangcongsan