Cùng dự có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội; các đồng chí thành viên Ban tổ chức Lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị…
Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016 của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch nêu rõ: Lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016 diễn ra trong 3 ngày (từ 15-17/4/2016), được tổ chức với nhiều điểm mới theo Quyết định số 386, ngày 17/3/2016 và Kế hoạch số 25, ngày 18/3/2016 của UBND tỉnh theo quy mô cấp tỉnh, với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Các yêu cầu, nhiệm vụ theo Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra đã được Ban tổ chức lễ hội, các ngành, địa phương triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Các hoạt động tại lễ hội được tổ chức trang nghiêm, mang đậm sắc màu văn hóa, tín ngưỡng thiêng liêng, đan xen các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thiết thực, mang đặc trưng văn hóa của đất và người Ninh Bình.
Trong 3 ngày, đã có 38 đoàn tế của các địa phương về chầu, tế tại 2 Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê. Có 56 tiết mục nghệ thuật quần chúng của 8 huyện, thành phố và Trung tâm văn hóa tỉnh, thu hút trên 300 diễn viên và nhạc công từ các CLB thôn, xóm, làng trong tỉnh tham gia.
Các trò chơi dân gian, các hoạt động tại lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn lượt nhân dân và du khách đến tham quan, cổ vũ. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội đã thu hút khoảng 35 nghìn lượt khách đến dự và tham gia lễ hội.
Trong những ngày chuẩn bị và diễn ra các hoạt động tại lễ hội, các ngành, các cấp, các lực lượng tham gia tích cực, nhiệt tình, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực cho sự thành công của lễ hội.
Công tác xã hội hóa lễ hội bước đầu đạt kết quả, thu hút sự tham gia của các địa phương, các đoàn tế, các thành phần xã hội…, góp phần tạo nên thành công chung cho lễ hội.
Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày, hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Không để xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của lễ hội.
Các tệ nạn như ăn xin, cờ bạc, trộm cắp được ngăn chặn. Công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan lễ hội cơ bản được thực hiện tốt.
Các nghi lễ được tiến hành chu đáo, tôn nghiêm, tạo điều kiện cho nhân dân tham quan, chiêm bái và tham gia vào các hoạt động của lễ hội. Theo đánh giá của Ban tổ chức, Lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016 đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Tuy nhiên, Lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Sự phối hợp giữa một số đơn vị, địa phương với Ban tổ chức lễ hội trong liên hệ, đón tiếp khách chưa chặt chẽ, thiếu chủ động, ảnh hưởng đến thời gian khai mạc lễ hội; các hoạt động văn hóa, thể thao chưa phong phú, chưa khai thác hết tiềm năng các giá trị văn hóa truyền thống trong nhân dân; một số trò chơi dân gian tổ chức chưa hiệu quả; công tác vệ sinh môi trương đã có nhiều tiến bộ, nhưng có thời điểm rác thải chưa được thu gom kịp thời, ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực lễ hội.
Tại hội nghị, các đồng chí thành viên Ban tổ chức lễ hội và đại diện các địa phương, đơn vị liên quan đã phát biểu nêu lên những kết quả đạt được và đề xuất một số vấn đề để lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2017 được triển khai tốt hơn, như: cần chủ động hơn trong công tác chuẩn bị lễ hội; có kịch bản lễ hội chi tiết, cụ thể hơn; phân công nhiệm vụ cụ thể hơn cho các đơn vị; các trò chơi phần hội nên giao cho một số cơ quan cấp tỉnh chủ trì; có quy chế tổ chức lễ hội; thực hiện niêm yết công khai giá các mặt hàng hóa bán tại lễ hội; phân chia phù hợp các địa điểm tổ chức phần hội; vấn đề kinh phí tổ chức lễ hội…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, lễ hội truyền thống Trường Yên những năm qua đã được tỉnh Ninh Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tổ chức mỗi năm một tốt hơn.
Với kịch bản đã được UBND tỉnh phê duyệt gồm đầy đủ phần lễ, phần hội, các hoạt động trưng bày, triển lãm, quảng bá và công tác lễ tân, hậu cần, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ lễ hội được xây dựng chi tiết, cụ thể…, chắc chắn sẽ ngày càng tổ chức được những lễ hội quy mô, hoành tráng, xứng tầm lễ hội quốc gia.
Để đạt được mục tiêu lễ hội xứng tầm quốc gia, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần sự huy động tích cực và trách nhiệm của tất cả cấp ủy đảng, chính quyền và người dân không chỉ xã Trường Yên mà trong toàn tỉnh trong việc tổ chức, thực hiện lễ hội.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác tổ chức lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý đối với những tồn tại, hạn chế của lễ hội để các địa phương, đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2017.
Theo đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng dự án phục dựng và bảo tồn các giá trị của lễ hội Trường Yên, kịp thời phục vụ kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (vào năm 2018). Giao cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh làm đầu mối chủ trì nhằm phát huy sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc triển khai, tổ chức lễ hội.
Đặc biệt, ngay từ bây giờ, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan cần xây dựng phương án tổ chức lễ hội Trường Yên 2017, qua đó có thời gian để bàn thảo, chỉnh sửa, phấn đấu lễ hội Trường Yên ngày càng được hoàn thiện, trở thành lễ hội cấp quốc gia.
Kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Trường Yên 2016 ghi nhận và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu xây dựng và thực hiện.
Đồng chí Trưởng Ban tổ chức lễ hội cũng khẳng định, lễ hội truyền thống Trường Yên 2016 đã diễn ra và thành công tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp to lớn của các đơn vị, địa phương như Sở VH,TT&DL, huyện Hoa Lư, Văn phòng UBND tỉnh, ngành Công an, Sở Y tế, xã Trường Yên, các cơ quan thông tin đại chúng… tạo được niềm vui, sự phấn khởi cho nhân dân và du khách đến dự hôi.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng rút kinh nghiệm về một số vấn đề cụ thể còn tồn tại, hạn chế trong lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016, như: công tác mời và đón tiếp khách chưa chủ động, vấn đề VSMT, có các hình thức để diễn đạt cho người xem dễ hiểu hơn đối với một số hoạt cảnh trong lễ khai mạc lễ hội, bổ sung nước uống, các điều kiện cần thiết phục vụ cho đại biểu và nhân dân dự hội…, tất cả nhằm mang lại giá trị tinh thần to lớn cho nhân dân, tạo niềm tin, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.
Để chuẩn bị cho lễ hội 2017, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương cần chủ động đề xuất dự toán kinh phí, triển khai sớm các phương án, nhiệm vụ được giao trong lễ hội năm 2017…; đồng thời đề xuất góp ý một số vấn đề để lễ hội năm 2017 diễn ra trang trọng, hoàn thiện hơn.
Tiêu biểu như việc nghiên cứu, xem xét xây dựng sân khấu lễ hội cố định, trang bị hệ thống đèn điện, loa đài đạt chuẩn; đầu tư trang phục quần áo cho diễn viên, người làm lễ trang trọng, đồng bộ; khôi phục và tổ chức các phần lễ, phần hội năm 2016 chưa thực hiện được như tế Cửu khúc, thi ẩm thực, thi chọi dê, chơi đu, tổ tôm điếm…
Đồng thời tích cực tổ chức các hội thảo khoa học giới thiệu về lịch sử di tích Cố đô, quảng bá về khu di chỉ khảo cổ học, góp phần nêu bật giá trị lịch sử văn hóa vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến.
Mỹ Hạnh-Minh Quang