Đồng chí Đỗ Quang Hoan, Cục trưởng Cục tần số vô tuyến điện; đại diện các phòng, ban chuyên môn của Cục và lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, các đơn vị, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh… cùng dự buổi làm việc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 91 tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện (VTĐ) được cấp giấy phép sử dụng tần số theo quy định. Trong đó, mạng lưới viễn thông có 6 doanh nghiệp Viễn thông khai thác 280 thiết bị truyền dẫn VIBA, 11 thiết bị vô tuyến sóng ngắn và 2 thiết bị thông tin vệ tinh INMASAT phục vụ công tác chỉ đạo PCLB của tỉnh; mạng lưới phát thanh truyền hình và thông tin tuyên truyền có 59 đơn vị sử dụng tần số thiết bị phát sóng với 67 thiết bị; 10 doanh nghiệp kinh doanh taxi và kinh doanh vận tải đăng ký sử dụng 12 tần số liên lạc; 6 doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển đăng ký sử dụng 16 tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng hải; 10 đơn vị sử dụng mạng thông tin vô tuyến điện nội bộ phục vụ điều hành, sản xuất và liên lạc nội bộ. Ngoài ra còn rất nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng các thiết bị phát sóng tần số VTĐ công suất thấp, thiết bị có điều kiện không phải cấp phép sử dụng tần số VTĐ như thiết bị dùng cho điều khiển mô hình, thiết bị nhận dạng vô tuyến, thiết bị y tế, điện thoại kéo dài, thiết bị giám sát, thiết bị an ninh, điều khiển từ xa….
Trong thời gian qua, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tần số VTĐ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, đảm bảo việc sử dụng, khai thác có hiệu quả, không để xảy ra nhiễu, có hại giữa các đài, hoạt động nghiệp vụ các hệ thống thông tin VTĐ tương đối ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn 1 số tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt, như việc sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ khi chưa có giấy phép sử dụng tần số, trong đó nổi cộm là sử dụng các thiết bị bộ đàm phục vụ điều hành tại các nhà hàng, khách sạn, các công trường xây dựng; sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ khi giấy phép đã hết hạn; trang bị các đài truyền thanh không dây cấp xã có tần số hoạt động không phù hợp với quy hoạch tần số đã được phê duyệt gây khó khăn cho việc ấn định cấp phép và nguy cơ gây can nhiễu đối với các đài phát thanh truyền hình cấp huyện, cấp tỉnh,…
Công tác quản lý tần số vô tuyến điện được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực I thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tần số và thiết bị phát sóng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc sử dụng, khai thác có hiệu quả và hoạt động bình thường của các nghiệp vụ vô tuyến điện, không xảy ra nhiễu, có hại giữa các đài, các nghiệp vụ và các hệ thống thông tin vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh…
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh có ý kiến, kiến nghị với Cục tần số vô tuyến điện, Trung tâm Tần số VTĐ khu vực I, Sở Thông tin và Truyền thông… tiếp tục quan tâm hỗ trợ phương tiện kỹ thuật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị VTĐ để hoạt động chất lượng, hiệu quả; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng theo quy định…
Tin, ảnh: Huy Hoàng