Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo đại diện một số sở, ban, ngành liên quan; các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án số 12 về đẩy mạnh công tác XKLĐ của UBND tỉnh; các cán bộ làm công tác Lao động Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố.
Theo báo cáo, ngay khi triển khai thực hiện Đề án số 12, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu đưa người đi XKLĐ năm 2018 cho từng huyện, thành phố. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, các địa phương đã chủ động thực hiện công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm và khá đa dạng nhằm truyền tải nội dung, ý nghĩa và cách thức để người lao động nhanh chóng tiếp cận và thực hiện nhu cầu đi XKLĐ ở những thị trường phù hợp.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp với điều kiện kinh tế và năng lực, trình độ của bản thân, UBND tỉnh cũng đã cho phép mở rộng số lượng tham gia doanh nghiệp tham gia Đề án. Hiện nay, đã có 11 doanh nghiệp được đăng tải trên website của Sở để tuyển chọn lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...
Kết quả, tính đến hết ngày 31/8/2018, toàn tỉnh có 421 người đi XKLĐ, thị trường tập trung ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Trong đó có 106 lao động thuộc đối tượng Đề án đã xuất cảnh. Đơn vị có số người đi XKLĐ cao nhất là huyện Yên Khánh, thấp nhất là thành phố Ninh Bình.
Tuy vậy, theo đánh giá của Sở Lao động Thương binh và Xã hội- cơ quan thường trực thực hiện Đề án số 12 của tỉnh thì kết quả XKLĐ trong 8 tháng đầu năm còn thấp, mới chỉ đạt 30% chỉ tiêu UBND tỉnh giao thực hiện trong năm 2018. Tại hội nghị, các địa phương, các đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện Đề án số 12 đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Nhiều nguyên nhân đã được xác định rõ, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: công tác rà soát, khảo sát đối tượng có nhu cầu đi XKLĐ chưa được thực hiện nghiêm túc; nhiều nơi, trưởng thôn không nắm được hướng dẫn về việc mở rộng doanh nghiệp tham gia Đề án nên việc tuyên truyền không đầy đủ, chính xác đến người lao động; thời gian và thủ tục để người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay vẫn còn dài…
Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ mà UBND tỉnh giao, đồng chí Lâm Xuân Phương, TUV, Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội, Phó trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án XKLĐ của tỉnh đề nghị các địa phương trong thẩm quyền, trách nhiệm của mình cần chủ động xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Đặc biệt, các địa phương cần thay đổi hình thức tuyên truyền, đảm bảo người lao động được thông tin đầy đủ về Đề án, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp, Ngân hàng chính sách xã hội trực tiếp gặp gỡ và thực hiện tuyên truyền đến người lao động; Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh chủ động phối hợp với doanh nghiệp XKLĐ và các địa phương trong công tác tạo nguồn;
Ngân hàng chính sách Xã hội cần có hướng dẫn cụ thể thành phần hồ sơ vay vốn cho người lao động, hỗ trợ người lao động thực hiện các thủ tục giấy tờ trong hồ sơ vay vốn, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người lao động...
Nguyễn Hùng- Minh Quang