Đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo thực hiện đề án; đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các ngành có liên quan. Sau hơn 3 năm triển khai Đề án "đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp", hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong các hoạt động tố tụng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hộị, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Công tác giám định tư pháp được UBND tỉnh và các ngành quan tâm chỉ đạo và từng bước hoàn thiện các thể chế, các điều kiện để triển khai thực hiện có hiệu quả về giám định tư pháp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tổ chức giám định tư pháp với 23 giám định viên tư pháp gồm: Phòng giám định pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh và Tổ chức giám định pháp y tâm thần tỉnh.
Kết quả, từ năm 2010 đến hết tháng 3/2013, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã giám định 1284 vụ việc, phòng giám định pháp y (Bệnh viện ĐK tỉnh) giám định 1016 vụ việc, Tổ chức giám định pháp y tâm thần (Sở Y tế) giám định 18 vụ việc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai đề án trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn như: chưa thành lập được Trung tâm giám định pháp y của tỉnh, chưa có giám định viên thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp chưa được thực hiện một cách chặt chẽ, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Tại hội nghị, các thành viên BCĐ đã cùng trao đổi, thảo luận làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai đề án, đề xuất các giải pháp khắc phục.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám định tư pháp, xây dựng đề án thành lập Trung tâm giám định tư pháp tỉnh, lựa chọn những người có trình độ chuyên môn trên các lĩnh vực chuyên ngành để kiện toàn đội ngũ cán bộ giám định tư pháp.
Đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm cấp kinh phí để bổ sung và mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác giám định, đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên; có chính sách hỗ trợ và chế độ ưu đãi đặc thù cho đội ngũ giám định viên hoạt động ở những lĩnh vực phức tạp; có cơ chế chính sách để thu hút các nhà khoa học, người có chuyên môn giỏi tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp đã yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện đúng quy chế đã đề ra.
Ban chỉ đạo sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức, sớm thành lập thêm tổ giúp việc, giúp Ban chỉ đạo trong việc triển khai và thực hiện kế hoạch giám định tư pháp; Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Nội vụ và các sở có liên quan phối hợp xây dựng đề án thành lập Trung tâm giám định tư pháp.
Các sở, ngành báo cáo thực trạng trang thiết bị hiện có để khi cần có thể huy động thực hiện công tác giám định tư pháp; trước mắt các sở xem xét các thiết bị cần thiết đề nghị UBND tỉnh đầu tư mua sắm phục vụ cho công tác giám định tư pháp.
Tin ảnh: Trần Dũng