Thôn Xuân Phúc là thôn có làng nghề đá truyền thống của xã Ninh Vân, với gần 900 hộ dân, hầu hết các hộ đều làm nghề chế tác đá. Có việc làm, thu nhập, nên hầu hết các gia đình có đời sống vật chất và tinh thần ổn định, là điều kiện thuận lợi để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại thôn phát triển. Thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đến năm 2020", Chi hội Khuyến học thôn Xuân Phúc đã tích cực vận động, tuyên truyền, khuyến khích các gia đình, dòng họ đăng ký danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của trên 80% số hộ trong thôn đăng ký tham gia.
Sau 3 năm thực hiện Quyết định 281, các gia đình quan tâm đầu tư hơn cho con em trong học tập, những gia đình có điều kiện còn cho con, em ra các trường, các trung tâm học tập, trung tâm ngoại ngữ tại thành phố Ninh Bình để bồi dưỡng thêm kiến thức. Nhiều gia đình tích cực học hỏi, áp dụng KHKT, đưa cơ giới, máy móc hiện đại vào sản xuất các mặt hàng đá mỹ nghệ, cho hiệu quả kinh tế cao, doanh thu tăng trưởng. Tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm gần 80%, hộ nghèo giảm còn 2,5%, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ổn định và phát triển. Chi hội Khuyến học thôn Xuân Phúc được UBND huyện Hoa Lư tặng giấy khen trong công tác xây dựng xã hội học tập.
Tìm hiểu về công tác khuyến học trên địa bàn xã Ninh Vân chúng tôi được biết, Hội Khuyến học xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác khuyến học trên địa bàn, thành lập BCĐ xây dựng xã hội học tập của xã, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và triển khai tuyên truyền, vận động tới từng người dân. Việc đăng ký các danh hiệu được triển khai nền nếp, nghiêm túc từ thôn xóm, dòng họ và đơn vị từ đầu năm và cuối năm tổ chức bình xét gia đình văn hóa và gia đình học tập của các thôn đảm bảo khách quan, công bằng. Trong quá trình thực hiện, Hội Khuyến học đã phát huy vai trò là nòng cốt, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể liên quan kiểm tra, đánh giá, chấm điểm và đề nghị UBND xã công nhận các mô hình học tập theo đúng quy trình, thủ tục.
Để phát huy giá trị ngành nghề của địa phương, Hội Khuyến học xã đã phối hợp với các đoàn thể, nhà trường tiến hành điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập của nhân dân. Đồng thời tham mưu cho UBND xã hàng năm phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Nam Định mở lớp học nghề tại Trung tâm Học tập cộng đồng của xã. Mỗi năm, xã tổ chức 3 lớp học nghề chế tác đá mỹ nghệ cho 150 học viên; tổ chức nhiều chuyên đề về chuyển giao KHKT tại Trung tâm Học tập cộng đồng cho hàng nghìn lượt học viên, học viên được học tập và có bằng về nghề, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tuyển dụng, ký kết các hợp đồng lao động. Các lớp học nghề tại Trung tâm Học tập cộng đồng của xã Ninh Vân còn thu hút nhiều học viên của các huyện, tỉnh bạn về học nghề.
Sau 3 năm thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ các mô hình học tập đạt danh hiệu học tập năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể là: Số gia đình được công nhận danh hiệu học tập năm 2016 đạt 60%, năm 2017 đạt 72%; dòng họ được công nhận danh hiệu học tập năm 2016 đạt 50%, năm 2017 đạt 75%; cộng đồng được công nhận danh hiệu học tập năm 2016 đạt 100%, năm 2017 giữ vững 100%; đơn vị được công nhận danh hiệu học tập năm 2016 đạt 100%, năm 2017 giữ vững 100%.
Toàn xã hiện có 90 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, nhiều doanh nghiệp có doanh thu hàng tỷ đồng/năm nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế tác đá mỹ nghệ. Trên địa bàn xã không có học sinh bỏ học, không có người thất nghiệp, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới…
Mai Phương