Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Chính phủ về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo" tại Ninh Bình cho thấy: Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề và chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tỉnh đã chỉ đạo việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chỉ đạo xây dựng các đề án, kế hoạch thực hiện đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, thực hiện phân cấp quản lý.
Trong đó tập trung vào các giải pháp như: Thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi cử, đánh giá học sinh; Chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh; Tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; Tiếp tục rà soát, bồi dưỡng năng lực, trình độ đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 tỉnh Ninh Bình"; Tăng cường hoạt động kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ở tỉnh cũng gặp những khó khăn: Công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện tại một số địa phương chưa sát, gây khó khăn cho quá trình tuyển sinh và tổ chức đào tạo; Việc tiếp cận nguồn vốn vay của người lao động sau khi học nghề còn khó khăn; Đội ngũ giáo viên cơ hữu tại các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện chưa đảm bảo cơ cấu, chủng loại; Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người lao động về học nghề chưa được coi trọng, còn tâm lý bằng cấp dẫn đến chất lượng và số lượng tuyển sinh thấp…
Trong năm 2015 và trong thời gian tiếp theo, để thực hiện tốt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2020, phát triển hợp lý quy mô trường lớp, thực hiện huy động 60% trẻ em trong độ tuổi vào nhà trẻ; 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1, trên 90% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT và học nghề, tỉnh Ninh Bình chú trọng thực hiện các nội dung: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo. Tăng cường, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực cho giáo dục và đảm bảo công bằng xã hội cho giáo dục.
Tại buổi làm việc, các sở, ngành có liên quan của tỉnh đã kiến nghị với đoàn công tác của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực một số vấn đề: Đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư ngân sách cho ngành Giáo dục- Đào tạo thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo; Quy định định mức biên chế đội ngũ cán bộ chuyên trách thanh tra tại Sở đảm bảo thực hiện nhiệm vụ; Cần có quy định cụ thể độ tuổi lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề cho phù hợp với từng nhóm nghề đào tạo; Quan tâm đầu tư kinh phí cho hệ thống các trường đại học địa phương…
Kết luận tại buổi làm việc, đoàn công tác của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Chính phủ về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo" với nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Để Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Chính phủ được tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, đoàn công tác cũng đề nghị các sở, ngành có liên quan của tỉnh quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề: Quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu chất lượng; Mở thêm các ngành đào tạo giáo viên dạy nghề để đáp ứng nhu cầu mở rộng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng nghề; Điều chỉnh mạng lưới các trường mầm non, phổ thông để có quy mô hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục; Phát triển, nâng cao chất lượng các loại hình giáo dục thường xuyên, nhất là giáo dục từ xa; Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cho giáo dục ở nông thôn, miền núi…
Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đoàn sẽ tiếp thu, chuyển các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương xem xét, giải quyết.
Bùi Diệu