Tính đến tháng 6-2016, Kim Sơn có 170 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn điều lệ khoảng 1.588 tỷ đồng, thu hút gần 8.600 lao động thường xuyên và khoảng 25.000 lao động nông nhàn. Mỗi lao động có mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu là xây dựng, may mặc và tiểu thủ công nghiệp.
Năm 2015, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tại huyện Kim Sơn đạt trên 1.760 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh 1755 tỷ đồng, doanh nghiệp Nhà nước trên 10 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 127 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 13,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Kim Sơn cho biết: Trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã tích cực trong công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Cơ chế một cửa và một cửa liên thông được thực hiện ở tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước từ huyện tới xã. Huyện cũng đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Đồng Hướng và trên cơ chế chính sách của Nhà nước có các biện pháp, cách làm hợp lý thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài huyện vào đầu tư sản xuất tại cụm.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của huyện đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, đồng thời triển khai nghiêm túc công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh. Từ đó đã góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật.
Về phía các doanh nghiệp địa phương, đã từng bước khắc phục khó khăn, chủ động trong hoạt động sản xuất và tìm kiếm thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã có những đơn hàng xuất khẩu với giá trị lớn, đa dạng về sản phẩm, ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên hiện nay, đa phần các doanh nghiệp tại địa phương vẫn đang gặp một số khó khăn. Trước hết là về nguồn vốn. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Phần lớn vốn của các doanh nghiệp đều là vốn riêng của chủ doanh nghiệp, cổ đông, vốn góp của bạn bè, người thân... nên nguồn vốn hạn hẹp.
Để mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần nguồn có nguồn vốn lớn nhưng việc vay vốn từ các ngân hành thương mại gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải từ chối những hợp đồng có giá trị xuất khẩu cao do không đủ vốn đầu tư.
Khó khăn tiếp theo là về đất đai. Mặc dù huyện Kim Sơn đã có nhiều giải pháp, biện pháp tạo quỹ đất sạch dành cho các doanh nghiệp thuê đầu tư sản xuất nhưng giá đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của Nhà nước còn cao, khiến nhiều doanh nghiệp thuê được đất thì lại rơi vào tình trạng thiếu vốn sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng là một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp gặp phải.
Là một huyện có nguồn lao động lớn, tuy nhiên, mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mức thu nhập của lao động tại các thành thị, khu, cụm công nghiệp lớn nên hầu hết các lao động chính đều không gắn bó với doanh nghiệp tại địa phương.
Lao động đã qua đào tạo rất ít, hầu như khi nhận lao động, doanh nghiệp đều mất một khoảng thời gian để đào tạo nghề. Năng lực của lao động quản lý còn hạn chế, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, nhất là trong các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu.
Bên cạnh yếu tố con người, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu cũng là khó khăn đối với một số doanh nghiệp tại địa bàn huyện Kim Sơn. Để hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định, các doanh nghiệp đã chủ động, cố gắng đầu tư máy móc, thiết bị nhưng hiện chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu phát triển.
Nếu đầu tư nhiều vào máy móc, trang thiết bị lại dẫn đến thiếu vốn, khiến nhiều doanh nghiệp mãi "loay hoay" trong việc cân đối vốn. Ngay trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp - nhu cầu máy móc thiết bị không cao so với các lĩnh vực khác, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn không có đủ nguồn nguyên liệu hoặc nguồn cung nguyên liệu không ổn định. Doanh nghiệp phải mua nguyên liệu từ tỉnh khác, thậm chí phải đặt mua từ các tỉnh phía nam dẫn đến giá nguyên liệu cao, ảnh hưởng lớn đến doanh thu và sự ổn định sản xuất của các doanh nghiệp.
Ra đời trong hoàn cảnh các doanh nghiệp địa phương đang gặp nhiều khó khăn, Hội Doanh nghiệp Kim Sơn mang sứ mệnh là "cầu nối" giữa Nhà nước và các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đề đạt ý kiến, nguyện vọng chính đáng với các cấp, các ngành.
Với vai trò là người đại diện, Hội sẽ bảo vệ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện, tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, Hội sẽ giúp các thành viên tiếp xúc với các dự án, các nhà đầu tư trong và ngoài huyện; chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Hội cũng là nơi các thành viên được tư vấn về chính sách, pháp luật, cung cấp các thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Hội cũng sẽ trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước để tổ chức các chương trình nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nghề nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nguồn lao động cho các doanh nghiệp...
Với những chức năng ưu việt mà Hội doanh nghiệp Kim Sơn sẽ đảm nhiệm, đây có thể sẽ là thời điểm khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp nơi đây.
Thái Học