Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh
Từ ngày 27/4, học sinh lớp 9 THCS, học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên cấp THPT đi học trở lại sau gần 2 tháng tạm nghỉ do dịch bệnh. Với trên 40 nghìn học sinh toàn tỉnh (trong đó, gần 35 nghìn học sinh THPT và học viên các Trung tâm GDNN-GDTX) trở lại trường học, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch bệnh phải được quan tâm hàng đầu, cùng với duy trì nền nếp dạy và học tại trường.
Theo thầy giáo Vũ Xuân Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B (huyện Kim Sơn), để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học, nhà trường đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo chỉ đạo của ngành. Đó là, thực hiện phun thuốc sát trùng, khử khuẩn các phòng học, phòng chức năng, hành lang, nơi làm việc; làm vệ sinh môi trường khuôn viên trường học, làm sạch bề mặt bàn, ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trẻ em...
Cùng với đó, thông báo cho phụ huynh, học sinh chuẩn bị các điều kiện phòng bệnh bắt buộc khi đến trường, như đeo khẩu trang đến trường, sử dụng nước sát khuẩn tay thường xuyên, khuyến khích có bình nước uống riêng...
Tại các địa phương, việc tuyên truyền trên đài truyền thanh vẫn được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo người dân không chủ quan, lơ là khi không còn quy định giãn cách xã hội.
Chị Trần Thị Thu Hương, nhân viên Đài Truyền thanh xã Gia Phú (huyện Gia Viễn) cho biết: Hiện Đài truyền thanh xã Gia Phú vẫn duy trì phát thanh 3 lần trong ngày, trong đó cập nhật những thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước, trên địa bàn tỉnh và huyện.
Đặc biệt, để người dân hiểu rõ, khi không còn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thì không được chủ quan, lơ là với các biện pháp phòng, chống dịch, mà người dân cần tuân thủ các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Với việc duy trì các hình thức tuyên truyền, người dân hiểu rõ và tiếp tục chấp hành các quy định phòng bệnh, nhất là việc đeo khẩu trang, hạn chế ra đường, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc...
Đối với các cơ quan, công sở, các quán ăn, nhà hàng..., từ ngày 23/4 được phép hoạt động bình thường trở lại, nhưng được khuyến cáo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Điều đáng mừng là qua 3 tuần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, mỗi người dân đã tự nâng cao ý thức trong thực hiện các quy định phòng bệnh, hình thành các thói quen tốt như đeo khẩu trang; sử dụng dung dịch sát khuẩn hoặc rửa tay thường xuyên với xà phòng; hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng; tình trạng khạc nhổ, hắt xì hơi nơi công cộng giảm đáng kể... Hầu hết các cơ quan, đơn vị, các khu công cộng, nơi làm việc... đều được trang bị nước rửa tay, nhắc nhở người dân đến liên hệ, làm việc thực hiện các khuyến cáo phòng bệnh của ngành Y tế.
Đặc biệt, tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện nghiêm quy định phân luồng, sàng lọc, bố trí nhân viên đo thân nhiệt, khai báo y tế đối với người nhà và người đến khám chữa bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất các ca bệnh, nguồn bệnh (nếu có) lây lan vào bệnh viện và cộng đồng...
Tiếp tục chủ động ứng phó
Bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Mặc dù hiện nay Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVID-19, nhưng người dân không nên chủ quan, bởi dịch bệnh luôn có những diễn biến khó lường.
Hơn nữa, nhiều ca bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần nhưng lại dương tính sau vài ngày xuất viện hoặc nhiều ca bệnh không có triệu chứng rõ rệt thường dễ bị bỏ qua, nguy cơ lây lan trong cộng đồng… Bên cạnh đó, tình hình chung về dịch bệnh của các nước trên thế giới vẫn rất phức tạp, gia tăng cả về số người mắc, tử vong và dịch bệnh được dự đoán còn có thể còn kéo dài.
Mới đây, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, ngành Y tế Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiếp tục rà soát và quản lý người có nguy cơ với dịch COVID-19. Theo đó, chỉ đạo các Trạm y ế xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách các đối tượng cần quản lý, theo dõi sức khỏe hiện đang cư trú, lưu trú, làm việc, du lịch... tại Ninh Bình; điền thông tin theo mẫu Phiếu điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và hàng ngày theo dõi sức khỏe những người này cho đến khi hết dịch hoặc đến khi đối tượng rời khỏi địa phương; báo cáo Trung tâm y tế huyện, thành phố để lấy mẫu xét nghiệm nếu những người này xuất hiện triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 như sốt, ho, khó thở, đau họng...
Đối với người dương tính với COVID-19 đã được điều trị khỏi, tiếp tục cách ly 14 ngày tại gia đình. Trung tâm y tế huyện, thành phố thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 2 lần trong thời gian cách ly tại gia đình: lần 1 vào ngày thứ 7, lần 2 vào ngày thứ 14 trước khi kết thúc thời gian cách ly. Đồng thời, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn thành lập các Tổ công tác của địa phương, thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để rà soát, phát hiện những đối tượng cần quản lý sức khỏe, đồng thời hướng dẫn người dân khai báo y tế trực tuyến trên ứng dụng NCOVI và cập nhật tình hình thường xuyên hàng ngày (nếu người dân không biết khai báo thì chủ động khai báo giúp theo thông tin người dân cung cấp)...
Cũng theo lãnh đạo ngành Y tế, quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn là việc duy trì chặt chẽ biện pháp chống dịch cơ bản nhất, đó là đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giãn cách theo quy định với khoảng cách ít nhất 1,5m, không tụ tập đông người... Ngành Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn dự phòng COVID-19 trong cơ sở sản xuất, trường học, công sở…
Việc cần làm là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ y tế đối với các đối tượng cần trợ giúp, nguy cơ cao trong xã hội hiện nay, như nhân viên y tế, đối tượng bảo trợ xã hội, người lang thang cơ nhỡ... Hiện ngành Y tế Ninh Bình đã thực hiện lấy mẫu cho hàng trăm trường hợp để xét nghiệm SARS-CoV-2, tất cả đều cho kết quả âm tính... Ngành cũng đã phát hiện và xử lý kịp thời các ca bệnh trong cộng đồng và khu cách ly tập trung, tiếp tục kiểm soát, không để lây nhiễm trong cộng đồng, điều trị khỏi đa số người mắc và chưa có trường hợp tử vong...
Đặc biệt, ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 19 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng trên toàn thế giới, làm hàng triệu người mắc, hàng trăm ngàn người tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Hiện dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát vẫn ở mức cao, ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Do đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh...
Đối với tỉnh Ninh Bình, là tỉnh có mức nguy cơ thấp, cần tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc...
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, kịp thời của UBND tỉnh, sự chủ động của ngành Y tế, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của người dân, tin rằng, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt trong thời gian tới.
Mỹ Hạnh