Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, nguyên trưởng khu lẻ Khu B, trường Tiểu học Thạch Bình (huyện Nho Quan) cho biết, do nằm ở vị trí cao nên điểm trường không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Tuy nhiên, học sinh của điểm trường vẫn phải nghỉ học tới 4 ngày, nguyên nhân là do gia đình các em học sinh lại bị ngập lụt, nhất là nhân dân khu vực thôn Quảng Mào và Đầm Rừng. Bên cạnh đó, con đường đến trường của các em học sinh khu điểm lẻ phải đi qua 7 đập tràn.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, nhà trường đã cho các em nghỉ học. Sau khi nước rút, các em học sinh đã đi học trở lại từ thứ 2 đầu tuần.
Còn đối với trường Tiểu học Lạc Vân, mặc dù bị ngập khá lớn bởi trận mưa lũ kéo dài vừa qua, nhưng may mắn là mực nước rút đi cũng rất nhanh. Bởi vậy, với phương châm nước rút tới đâu, công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường được thầy cô thực hiện tới đó.
Với sự hỗ trợ sát sao của chính quyền địa phương, của các bậc phụ huynh và lực lượng đoàn viên thanh niên trong xã, đến nay công tác dọn dẹp, khôi phục cơ sở vật chất đã cơ bản hoàn tất. Nhà trường đã cho học sinh đi học trở lại vào ngày thứ 3, sau gần 1 tuần nghỉ học.
Ông Trần Văn An, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan cho biết, trong đợt mua lũ vừa qua, tất cả các trường học trên địa bàn huyện đã phải cho học sinh nghỉ học. Sau khi nước rút, Phòng giáo dục huyện đã phân công từng cán bộ phụ trách các xã, luôn có mặt tại địa bàn được phân công, sát cánh cùng chính quyền địa phương và các thầy cô giáo khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định tình hình cơ sở vật chất để tổ chức hoạt động giáo dục.
Đến thời điểm này, dù vẫn còn nhiều việc phải làm, song 100% các trường học đã cho học sinh đi học trở lại. Cùng với nỗ lực của địa phương, của nhà trường, thời gian qua cũng có nhiều tổ chức, các cá nhân có tấm lòng hảo tâm đã đến thăm và tặng quà cho bà con vùng lũ, trong đó quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình học sinh bị thiệt hại nặng sau lũ… để có sự hỗ trợ thiết thực.
Những tập vở, những bộ quần áo mới… được trao đến tay các em học sinh sẽ là động lực để các em tiếp tục vượt khó vươn lên hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Đối với xã Gia Phong (huyện Gia Viễn), những ngày sau khi mực nước rút, cuộc sống của bà con đã ổn định trở lại. Ông Phạm Công Đoàn, Chủ tịch UBND xã Gia Phong cho biết, mặc dù cả 3 trường học đều không bị ngập lụt bởi mưa lũ, song các em vẫn được cho nghỉ học 4 ngày.
Nguyên nhân là bởi xã nằm trong vùng xả lũ, khi diễn biến tình trạng ngập lụt trở nên phức tạp, mực nước sông Hoàng Long dâng cao, các cấp chính quyền có lệnh di dân và dự kiến xả tràn. Vì vậy, tất cả mọi nhà đều đã thực hiện sơ tán tài sản và người đến nơi an toàn.
Đối với các trường học toàn bộ trang thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu, bàn ghế… cũng được sơ tán lên trên tầng 2. Khi nước rút, trong 2 ngày thứ 7 và chủ nhật vừa qua, nhà trường, chính quyền cùng các bậc phụ huynh, các em học sinh đã bắt tay vào việc ổn định cơ sở vật chất trường lớp, kê lại bàn ghế, dọn dẹp vệ sinh môi trường để bắt đầu tuần học mới.
Đến thời điểm này, mặc dù toàn xã vẫn còn thôn Phong Tĩnh, Ngọc Động bị ngập úng, nhưng các gia đình, chính quyền và nhà trường vẫn tạo điều kiện tối đa cho học sinh ở vùng này được đến lớp…
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn, hiện nay, hầu hết các nhà trường đã ổn định hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn trường Tiểu học Gia Thịnh B và điểm trường mầm non ở thôn Kênh Gà là vẫn tiếp tục phải nghỉ học do nước chưa rút hoàn toàn.
Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo, trong đợt mua lũ vừa qua, may mắn là không có thiệt hại nào về người. Tuy nhiên, có trên 50 trường học bị ngập úng phòng học, sân trường, khuôn viên, cổng trường, đường tới trường không đảm bảo an toàn cho học sinh, cây xanh, bồn hoa, cây cảnh bị chết; nhà trường đã báo cáo và chủ động cho học sinh nghỉ học.
Cụ thể, đối với huyện Nho Quan có trường mầm non Lạc Vân bị sụt lún nền 2 phòng, đổ 10m tường bao điểm trung tâm; điểm trường Cẩm Địa bị ngập nước. Các trường mầm non Đức Long bị ngập sâu điểm trường Thần Lũy; các trường THCS Gia Thủy, tiểu học Gia Thủy, THCS Lạc Vân, tiểu học Lạc Vân, mầm non Gia Tường (điểm trường Kiến Phong) ngập nước dưới 0,5m trong phòng học.
Nhiều trường cho học sinh nghỉ học do bị ngập nước, bàn ghế, trang thiết bị phải sơ tán chưa sắp xếp lại được, một số địa bàn còn ngập, bị chia cắt, học sinh đi học gặp nguy hiểm.
Đó là các trường trên địa bàn các xã Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường, Gia Thủy, Đức Long, Lạc Vân, Phú Sơn, Trường Tiểu học Thị trấn Nho Quan, Tiểu học Cúc Phương, Tiểu học Sơn Thành, THPT Nho Quan C.
Đối với các trường học trên địa bàn huyện Gia Viễn, có trường THCS Gia Sinh bị đổ 25m tường bao; Trường Tiểu học Gia Thịnh B và khu Kênh Gà của Trường mầm non Gia Thịnh ngập sâu toàn bộ tầng 1; các trường trên địa bàn xã Gia Minh, Gia Lạc, Gia Phong thực hiện tốt chỉ đạo của Sở di chuyển tài sản, sổ sách, thiết bị điện tử và các thiết bị dạy học khác đến vị trí khô ráo, đảm bảo an toàn; 100% cán bộ, giáo viên tham gia trực lũ; học sinh tiếp tục nghỉ học cùng gia đình di dời đến nơi an toàn.
Đối với huyện Hoa Lư, các trường trên địa bàn xã Ninh Xuân và Trường mầm non Trường Yên (các điểm trường Tụ An, Chi Phong, Tràng An) ngập nước phải cho học sinh nghỉ học…
Ngay sau khi nước rút, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo các trường học tập trung huy động mọi lực lượng khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường theo phương châm nước rút tới đâu tập trung dọn dẹp sạch sẽ, vệ sinh môi trường tới đó. Xử lý tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh .
Đặc biệt lưu ý kiểm tra, xử lý tốt nguồn nước sinh hoạt ở những đơn vị dạy học bán trú. Yêu cầu các nhà trường rà soát, kiểm tra lại toàn bộ cơ sở vật chất, chú ý khu vực xung yếu như mái nhà, móng nhà, tường bao… tiến hành sửa chữa, khắc phục, gia cố cơ sở vật chất, phòng học, đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các đơn vị trường học nhanh chóng ổn định nề nếp, tổ chức hoạt động giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng giao Phòng Giáo dục các huyện rà soát toàn bộ nội dung chương trình trong khoảng thời gian học sinh phải nghỉ học tránh lũ để có kế hoạch cụ thể học bù nội dung chương trình. Việc tổ chức dạy và học bù cho học sinh cần đảm bảo, không bị dồn ép nội dung, tránh tình trạng học sinh phải học chương trình quá tải, căng thẳng.
Nguyễn Hùng