Chị Đỗ Phương Hà, phường Bình (thành phố Ninh Bình) khá sốt ruột và lo lắng khi năm nay con trai chị đang học lớp 9 cuối cấp mà lại nghỉ dài ngày như vậy. Chị Hà cho biết, vẫn biết nghỉ học sẽ an toàn hơn cho học sinh và tạo sự yên tâm cho phụ huynh, nhưng chúng ta hãy cứ tính toán xem, liệu nghỉ tiếp, nghỉ đến hết tháng 3, bắt đầu vào học từ tháng 4 thì lúc ấy dịch bệnh Covid-19 đã giảm chưa, đã hết chưa? Không lẽ lại tiếp tục nghỉ nữa? Rồi lịch học, kế hoạch giáo dục lại tiếp tục phải thay đổi... Hơn nữa nghỉ thời gian này, khi học sinh bắt đầu vào học kỳ II... Do vậy, ngành Giáo dục nên cân nhắc và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn để học sinh trở lại trường học trong thời gian đầu tháng 3 tới.
Nhiều ý kiến phụ huynh đưa ra đề xuất, nên cho học sinh khối lớp lớn hơn đi học lại. Bắt đầu từ học sinh bậc THCS, vì các em từ hơn 10 tuổi đã có ý thức được việc phòng bệnh. Còn các em lớp nhỏ hơn, từ bậc Tiểu học đến Mầm non thì có thể đến trường sau 2 tuần nữa. Tùy vào diễn biến dịch bệnh để cho các khối lớp nhỏ hơn đi học trở lại. Như vậy, nhà trường có thể thực hiện tốt việc phòng dịch, giáo viên cũng theo dõi và kịp thời báo cáo tình hình của lớp mình" - nhiều phụ huynh nêu ý kiến.
Bên cạnh những ý kiến mong muốn cho con đi học lại vào đầu tháng 3, vẫn còn khá nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, không yên tâm khi các con trở lại trường học. "Hiện tại ở Việt , chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhưng chẳng ai dám chắc, dịch bệnh sẽ như thế nào, diễn biến ra sao? Vì hiện nay ở Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới dịch đang lây lan nhanh. Đây lại là bệnh dịch truyền nhiễm mới, thời gian ủ bệnh, tái bệnh chưa được thông báo cụ thể, thống nhất, có bệnh nhân ủ bệnh tới trên 20 ngày, trong khi chúng ta đang áp dụng quy tắc cách ly sau điều trị và cách ly đối tượng nguy cơ chỉ 14 ngày...
Theo nhiều giáo viên, dịch bệnh Covid-19 rất nguy hiểm, đáng lo ngại, nhưng với tình trạng học sinh nghỉ học thời gian khá lâu như hiện nay, nền nếp, nội quy trường lớp, khối lượng kiến thức văn hóa của học sinh cũng là vấn đề cần phải tính toán để học sinh sớm trở lại trường học tập. Nhiều giáo viên muốn học sinh trở lại trường học bởi vì, học sinh nghỉ dài ngày sinh tâm lý ngại học, sau khi đi học trở lại rất khó vào nền nếp ngay, giáo viên sẽ rất vất vả trong việc rèn nền nếp. Cùng với đó, hiện ngành Giáo dục khuyến khích học theo hình thức trực tuyến, nhưng phương pháp học này không mang lại hiệu quả như mong đợi, bởi chưa có sách hướng dẫn, giáo án đồng bộ, cụ thể... Hơn nữa, đây chỉ là phương pháp học tạm thời trong thời điểm học sinh nghỉ học dài ngày, nên học sinh không tham gia được đầy đủ, sau này giáo viên bắt buộc phải dạy lại chương trình...
"Thực tế, dịch bệnh Covid-19 có thể phức tạp ở Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới, nhưng tại Ninh Bình và nhiều địa phương khác trong cả nước, tình hình dịch bệnh đã được khống chế, kiểm soát và quản lý tốt. Ngoài ra, tất cả các nhà trường cũng đã tiến hành phun thuốc sát khuẩn nhiều lần; thực hiện vệ sinh trường lớp, đồ dùng, phương tiện học tập sạch sẽ; đặc biệt là đã tuyên truyền cụ thể các hình thức phòng bệnh cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Cần thiết, hàng ngày thực hiện đo thân nhiệt cho học sinh... Đôi khi, vấn đề lo dịch có thể bùng phát ở trường học do tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh nhiều hơn..." - nhiều giáo viên chia sẻ.
Ngày 25/2, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo lịch thông thường hàng năm, năm học mới sẽ bắt đầu từ ngày 5/9 đến 31/5 và kỳ thi THPT sẽ tổ chức vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với những diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung chương trình mới, lùi thời gian kết thúc năm học một tháng, đúng thời gian học sinh được nghỉ học vừa qua. Chương trình này phù hợp với các cấp học từ mầm non đến THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham khảo các Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương để chủ động quyết định thời gian cho học sinh phổ thông đi học trở lại, tinh thần chung là từ ngày 2/3. Các trường đại học, cao đẳng cũng có thể chọn phương án thời gian sinh viên đi học trở lại. Với sự điều chỉnh này, đa số các địa phương không phải tổ chức học bù, riêng tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tùy vào tình hình thực tế, tỉnh có thể xây dựng phương án tổ chức học bù.
Trước đó, chiều ngày 24/2, tại cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thẩm quyền quyết định cho học sinh trung học phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm có nên đi học trở lại trong toàn quốc vào ngày 2/3. Đối với học sinh mầm non và tiểu học, THCS, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét quyết định cho nghỉ học thêm 2 tuần sau đó quyết định cụ thể thời điểm đi học tùy theo diễn biến dịch bệnh. Tuy nhiên, trên cơ sở theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh, đến gần sát ngày đi học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa ra quyết định ngày đi học trở lại...
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh