Do vậy, mục tiêu tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất và hạn chế vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng là "kim chỉ nam" cho hoạt động của các NHTM. Qua thực tế việc điều chỉnh tín dụng và cơ cấu cho vay, đã mang lại một số kết quả bước đầu, các NHTM đã thực hiện khá nghiêm túc sự chỉ đạo của ngành cũng như của Chính phủ. Tính đến hết tháng 3, tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh NHTM, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương đóng trên địa bàn đạt 17.261 tỷ đồng, tăng 1,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất đạt 10.930 tỷ đồng, chiếm 63% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất đạt 6.331 tỷ đồng, chiếm 37% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh, từ đó kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của từng NHTM và của cả hệ thống thông qua kiểm soát tăng trưởng tín dụng của từng chi nhánh NHTM đóng trên địa bàn; phấn đấu thực hiện theo đúng kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước giảm cho vay lĩnh vực phi sản xuất dưới 32% trong 6 tháng đầu năm và cuối năm giảm xuống dưới 16%.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, nhiều ngân hàng đã kêu khó trong việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Bình cho biết: Việc các NHTM điều chỉnh giảm kế hoạch tăng trưởng tín dụng sẽ gây áp lực lớn trong việc tạo lợi nhuận cho ngân hàng. Đặc biệt, việc các NHTM tiếp tục tăng vốn lên trong năm nay sẽ tạo gánh nặng kép cho việc đảm bảo lợi nhuận.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình, năm 2010, tổng dư nợ của toàn ngành đạt 47%. Thông thường trong kế hoạch phát triển, tốc độ tăng trưởng năm sau phải cao hơn năm trước. Do vậy mà kế hoạch cho chỉ tiêu tăng dư nợ tín dụng của các NHTM báo cáo về Ngân hàng Nhà nước đầu năm 2011 đều khá cao. Sau khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ, NHNN đã yêu cầu các NHTM xây dựng lại chỉ tiêu này, giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng cho phù hợp với chỉ tiêu toàn ngành và thu hẹp ở lĩnh vực phi sản xuất. Những đơn vị nào đặt chỉ tiêu quá cao so với chỉ tiêu chung của ngành, Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dẫn các NHTM xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20%.
Ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô nên vấn đề được đặt lên hàng đầu hiện nay là kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý. Do đó, việc kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới mức 20% của Ngân hàng Nhà nước sẽ được thực hiện quyết liệt.
Ông Ninh Văn Tốn, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Tam Điệp cho rằng: "Nhà nước giới hạn tăng trưởng tín dụng dưới 20%, trong khi đó lãi suất huy động đầu vào cao, đặc biệt trong tình hình lạm phát như hiện nay buộc ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay lên rất cao, 19% đối với lĩnh vực sản xuất và trên 20% đối với lĩnh vực phi sản xuất. Chính điều này đã tạo áp lực cho cả khách hàng và ngân hàng. Về phía khách hàng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã nhiều khách hàng trả bớt 1 phần vốn do sản xuất, kinh doanh không đủ trả lãi. Một số người dân cũng rút vốn về để đầu tư vào vàng hoặc bất động sản. Về phía ngân hàng cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và chất lượng tín dụng". Song ông Tốn cho rằng, nút thắt lớn nhất hiện nay là một lượng không nhỏ vốn ngân hàng trên thực tế chưa thực sự đi vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà chảy sang lĩnh vực phi sản xuất, vì lĩnh vực này cho lãi suất cao hơn. Mặt khác, lãi suất đang tăng cao bất bình thường ở Việt Nam (huy động 14%/năm, nhưng cho vay ra đến 20%/năm, thậm chí là 24%/năm), nhưng dư nợ tín dụng tháng đầu năm nay vẫn cao hơn vốn huy động. Do đó, phải tập trung vốn vào sản xuất - kinh doanh để giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp và kiểm soát lạm phát nhằm dần hạ lãi suất.
Như vậy, với việc tín dụng tăng trưởng thấp, chi phí huy động vốn cao, các tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng được siết lại, các lĩnh vực kiếm lời bị hạn chế khiến cho các NHTM sẽ rất vất vả trong việc tạo lợi nhuận trong năm nay. Bên cạnh đó, yếu tố khách quan từ biến động chính trị, xã hội và môi trường thế giới ngày càng khó lường trong năm 2011 cũng tạo sức ép khách quan tới hoạt động quản trị và kinh doanh của các NHTM.
Bảo Yến