Hoạt động khuyến công trong những năm qua chủ yếu tập trung vào khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nông thôn để cùng nhau phát triển.
Năm 2012, hoạt động khuyến công của tỉnh ta được hỗ trợ gần 4 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công Quốc gia gần 2 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương 2 tỷ đồng. Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng sản xuất; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các đề án đào tạo nghề, ...
Trên cơ sở đó, hoạt động khuyến công năm nay thực hiện 30 đề án khuyến công, bao gồm: 5 đề án đào tạo nghề, 12 đề án hỗ trợ thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, 9 đề án tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu, bình chọn sản phẩm tiêu biểu, tham gia hội chợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, 1 đề án hỗ trợ xét duyệt công nhận làng nghề cấp tỉnh; 1 đề án tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển nghề và hoạt động khuyến công tại một số tỉnh...
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, trung tâm đã chú trọng đầu tư vào những ngành nghề mới, sử dụng nhiều lao động tại chỗ; ngành nghề phục vụ xuất khẩu và phục vụ du lịch. Đồng thời Trung tâm cũng ưu tiên đầu tư vào các ngành nghề truyền thống như thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ và chế biến cói.
Tính đến nay, Trung tâm đã cơ bản tổ chức xong các đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho 760 lao động tại huyện Kim Sơn, Yên Mô và Yên Khánh. Trong hoạt động đào tạo nghề luôn gắn liền với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, hoạt động đào tạo, truyền nghề gắn liền với giải quyết việc làm, tạo thu nhập. Do vậy, hàng trăm lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề đã có công ăn việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở đại phương.
Qua các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ đổi mới thiết bị, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Thông qua đề án khuyến công về hỗ trợ xét duyệt công nhận làng nghề, đã có nhiều ngành nghề, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhiều doanh nghiệp công nghiệp nông thôn được thành lập và phát triển... Ngoài ra các đề án trong các lĩnh vực khác đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; có những kiến thức về hội nhập kinh tế, quốc tế, thông tin thị trường... từ đó tìm kiếm được nhiều bạn hàng lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng CNH- HĐH, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. Đồng thời, qua các hoạt động khuyến công góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hồng Giang