Nhận thức rõ vai trò của việc phát triển CN-TTCN, làng nghề trong sự nghiệp CNH-HĐH, những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển CN-TTCN, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn như Nghị quyết số 04/NQ-TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ, cùng với việc duy trì và tăng nguồn ngân sách địa phương hàng năm cho công tác khuyến công.
Năm 2008, với nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 331 triệu đồng và Trung ương hỗ trợ 2 tỷ đồng, Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cùng mạng lưới khuyến công viên đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tổ chức triển khai phân bổ nguồn kinh phí hợp lý và có hiệu quả. Trong 9 tháng cả tỉnh đã có 8 đề án và gần 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học vào sản xuất. Trong đó, các chương trình đào tạo tập trung vào các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống có thế mạnh của tỉnh theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đồng thời chú trọng đến việc đưa ngành nghề mới vào các xã thuần nông ở huyện Yên Mô, các xã có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi tại các huyện Gia Viễn, Yên Khánh.
Đồng chí Đặng Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Hỗ trợ phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, nhằm gắn công tác dạy nghề và chuyển giao KHKT với tổ chức sản xuất, kinh doanh, hàng năm Trung tâm đều khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, làm cơ sở phân bổ kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, để tăng trách nhiệm của doanh nghiệp thì khuyến công tỉnh thường hỗ trợ khoảng 50% chi phí đào tạo, phần còn lại do doanh nghiệp tự bỏ ra. Việc hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị để dạy nghề vừa giúp cho người lao động giảm bớt khó khăn khi học nghề, vừa tạo cơ hội cho họ có nghề để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Đối với các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất nhận được hỗ trợ một phần chi phí đào tạo từ nguồn kinh phí khuyến công đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và ứng dụng được các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giải quyết thêm được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tiêu biểu như các doanh nghiệp chế biến cói Đổi Mới, Năng Động, ánh Hồng (huyện Kim Sơn); doanh nghiệp Xuân Tình, Thành Sơn (huyện Yên Mô); HTX thủ công mỹ nghệ xã Gia Thủy (huyện Nho Quan); HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Sơn (huyện Yên Khánh)…
Cùng với sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công, các nghề và làng nghề ở Ninh Bình được khôi phục và ngày càng phát triển. Một số nghề mới được du nhập và nhân rộng như: Nghề thêu, nghề mây tre đan, nghề dệt may, nghề chế biến các sản phẩm từ bèo, cói… Trong 9 tháng đầu năm 2008 đã có gần 2.000 người lao động được đào tạo nghề từ hỗ trợ của hoạt động khuyến công với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng (trong đó kinh phí do các đơn vị thụ hưởng đóng góp trên 13 tỷ đồng), phần lớn người lao động sau khi được đào tạo đều duy trì được nghề và có việc làm ổn định.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm, hiện nay trình độ quản trị của các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Việc tiếp cận những công nghệ mới, đổi mới mẫu mã sản phẩm còn chậm, số doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Sản phẩm phải qua nhiều trung gian dẫn đến lợi nhuận thu được trên một đơn vị sản phẩm thấp. Để phần nào khắc phục những hạn chế đó, Trung tâm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển của Trường Đại học Kinh tế quốc dân mở lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CN-TTCN trên địa bàn tỉnh về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp, kỹ năng đàm phán, thanh toán quốc tế…
Bên cạnh những hiệu quả thiết thực từ hoạt động khuyến công mang lại, vẫn còn một số dự án đào tạo nghề mang hiệu quả không cao do khó khăn về mặt bằng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, thời gian đào tạo ngắn nên tay nghề người lao động chưa cao, không đáp ứng yêu cầu hàng xuất khẩu. Thêm vào đó, thu nhập từ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thấp khiến nhiều lao động không muốn tiếp tục làm nghề. Tình trạng người dân mất nhiều thời gian, công sức để theo học nhưng chưa được làm nghề do khâu tổ chức sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả vẫn còn nhiều…Để phát huy hơn nữa vai trò của công tác khuyến công, trong năm 2008 và những năm tiếp theo, công tác khuyến công cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp nhỏ, nhất là đối với các dự án đào tạo nghề. Tăng mức kinh phí hỗ trợ, thời gian đào tạo cho người lao động để đáp ứng yêu cầu làm hàng xuất khẩu và cần lựa chọn tìm hiểu để du nhập những nghề phù hợp với điều kiện địa phương.
Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công trong đào tạo nghề cần tập trung hỗ trợ những dự án trọng tâm, trọng điểm; khuyến khích những cá nhân, doanh nghiệp thực sự tâm huyết đào tạo, truyền nghề và có năng lực tổ chức sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, kinh phí khuyến công nên trích một phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, địa phương tham gia các hội chợ triển lãm, hội thảo chuyên đề tạo điều kiện liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tìm nghề mới…, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Quốc Khang