Đến nay, toàn tỉnh có 1.692 tổ hòa giải với 10.580 hòa giải viên, trong đó 403 hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật. Các tổ hòa giải được kiện toàn theo thôn, xóm, tổ dân phố (trung bình mỗi thôn, phố có một tổ hòa giải) đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn.
Điển hình một số xã như: Ninh Xuân (Hoa Lư), Cúc Phương (Nho Quan) mỗi thôn có từ 2-3 tổ hòa giải. Thành phần tổ hòa giải là bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; cán bộ MTTQ, thanh niên, phụ nữ, già làng, chức sắc tôn giáo; đa số tổ trưởng tổ hòa giải là bí thư chi bộ kiêm nhiệm.
Đặc biệt, các tổ hòa giải đã kiện toàn thành viên nữ tham gia; đối với những địa phương có người dân tộc sinh sống như xã Cúc Phương, Thạch Bình, Quảng Lạc (Nho Quan), đã bổ sung thành viên tổ hòa giải là người dân tộc Mường tham gia thành viên tổ hòa giải.
Trong năm 2018, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 969 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 791 vụ (đạt 82%). Một số huyện, thành phố có tỷ lệ hòa giải thành cao như huyện Gia Viễn (91,8%), huyện Hoa Lư (89%) thành phố Tam Điệp (86,4%), huyện Kim Sơn (82%), huyện Nho Quan (81,2%). Nhiều vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư về tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, thừa kế, các mâu thuẫn, xích mích trong đời sống đã được hòa giải thành.
Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, duy trì và phát huy tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng; góp phần tích cực vào việc ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật..
Có được kết quả trên là do đội ngũ hòa giải viên thường xuyên được ngành Tư pháp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở. Kỹ năng ghi biên bản, lập hồ sơ lưu trữ; tổ chức cho các hòa giải viên tham dự các hội thi, tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động.
Thông qua các hội thi, những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động, tránh được sự cứng nhắc, khô khan; những kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải hay được lan tỏa, nhân rộng.
Ngoài ra, các hòa giải viên còn được cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật phục vụ cho công tác hòa giải như: Sổ tay nghiệp vụ hòa giải, sách hỏi - đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác… Công tác tổ chức sơ kết, tổng kết, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải được tổ chức thường xuyên; từ đó nhiều kinh nghiệm hay của các vụ hòa giải được nhân rộng. Nhiều địa phương đã làm tốt việc đầu tư kinh phí cho hoạt động hòa giải.
Được trang bị tài liệu, kiến thức, kỹ năng, kinh phí cho hoạt động, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đã đi sâu, bám sát địa bàn không kể bất cứ thời gian nào, dù là ngày hay đêm, khi xóm làng có chuyện xảy ra, các hòa giải viên lại có mặt, kiên trì hóa giải mâu thuẫn, kết nối yêu thương và đưa pháp luật gần hơn với nhân dân góp phần củng cố đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Trần Dũng