Theo Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2009 (4/4 dương lịch), phần Hội diễn ra từ 6 - 10/3 (âm lịch), tập trung ở thành phố Việt Trì, khu vực Đền Hùng và các huyện lân cận. Các hoạt động trong dịp Giỗ Tổ được gắn với Chương trình "Du lịch về cội nguồn năm 2009".
Hàng loạt các hoạt động ý nghĩa và phong phú diễn ra trong dịp này như Hội trại văn hóa, diễn xướng dân gian; đánh trống đồng, múa sư tử, hát xoan, hát ghẹo, múa trống đu...; trưng bày hiện vật thời đại Hùng Vương, Triển lãm ảnh 15 tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc; thi đấu bóng chuyền, bắn nỏ, cờ tướng, vật dân tộc, bơi chải; thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày; bắn pháo hoa; ...
Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật của tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai... và đoàn nghệ thuật thành phố Hwaseong (Hàn Quốc) biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc tại Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Năm nay, Công ty Mai Linh cung tiến chiếc bánh chưng khổng lồ chất lượng cao được xếp từ 6.000 chiếc bánh chưng nhỏ.
Năm nay, khách thập phương về thắp hương Vua Hùng sẽ được thấy diện mạo mới của khu di tích với không gian rộng lớn từ Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, đến Đền Mẫu Âu Cơ sang Đền Lạc Long Quân, Bảo tàng Hùng Vương... Cùng với nơi thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, những năm gần đây Nhà nước cho phép quy tụ những giá trị văn hóa về khu Đền Hùng.
Sân hành lễ có không gian rộng lớn, với chiều dài 250m, rộng 160m là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, chuẩn bị cho việc rước lễ dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng hàng năm.
Đường lên sân trước cổng đền được lát bằng đá xanh, hai bên là thảm cỏ, cây xanh và đặc biệt trồng 18 cây chò nâu (tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng) dự kiến hoàn thành trong tháng 2 (âm lịch). Sân trước cổng đền được mở rộng gấp 5 lần, lát bằng đá lấy từ Bình Định. Đền Thượng cũng được hoàn thành việc tu bổ trước Tết Kỷ Sửu.
Để tạo cảnh quan trong khu di tích, từ khu vực ngã 5 đền Giếng đến cổng đền, các ki-ốt, quầy bán hàng lưu niệm được sắp xếp quy củ. Các hộ kinh doanh đều phải đăng ký bán hàng đủ lượng, đúng giá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một trong những khó khăn đối với Ban tổ chức là việc khắc phục tình trạng tắc đường vào những ngày chính hội. Năm nay, việc phân luồng giao thông sẽ được thực hiện hợp lý hơn từ khu vực Ngã ba Hàng, quốc lộ 32C để giảm thiểu lượng xe vào khu vực trung tâm. Các bãi gửi xe máy, xe ôtô cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ban hành nghi thức Giỗ Tổ Hùng Vương
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 796/HD-BVHTTDL về việc hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các vua Hùng trong ngày tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch. Theo đó, lễ Giỗ tổ sẽ được tiến hành vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm.
Lễ phẩm bao gồm 18 chiếc bánh chưng bọc lá dong tươi, lạt màu đỏ, 18 chiếc bánh dày có dán chữ phúc và hương hoa, trầu cau, rượu nước và ngũ quả. Trang phục trên cơ sở lễ phục đã được Bộ Văn hóa Thông tin duyệt thống nhất sử dụng năm 2004, nhạc lễ sử dụng đĩa nhạc Giỗ tổ Hùng Vương của Bộ Văn hóa Thông tin đã duyệt thống nhất sử dụng.
Về thời gian, cách thức tiến hành, địa điểm tiến hành và nghi lễ dâng hương cũng được hướng dẫn tại văn bản này. Về phần hội được tiến hành tùy theo không gian tổ chức, điều kiện của địa phương và nhu cầu của địa phương đó trên tinh thần văn minh, lịch sự, lành mạnh.
Ngoài ra, văn bản cũng quy định, lễ Giỗ tổ Hùng Vương vào năm chẵn sẽ do Bộ VHTTDL tổ chức, năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ tổ chức.
Với việc ban hành văn bản thực hiện nghi thức giỗ Tổ Hùng Vương thống nhất trong cả nước này, Bộ VHTTDL sẽ quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động của lễ hội mang nghi thức quốc gia một cách hiệu quả và đồng bộ hơn, mặt khác cũng là bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể có ý nghĩa lịch sử. Theo Cổng TT ĐT Chính phủ