Đến ngày 29-10, toàn huyện đã trồng 873 ha cây đông các loại, chủ yếu là trên đất 2 lúa. Nhiều HTX có truyền thống thâm canh cây đông đã nỗ lực đẩy mạnh, mở rộng diện tích như HTX Đại Phú, Bạch Cừ, Trung Trữ... Cây trồng chủ lực trong vụ đông năm nay ở huyện vẫn là đỗ tương chiếm 690 ha, ngô nếp chiếm 20 ha, ngô ngọt chiếm 33 ha, khoai lang 28 ha, khoai tây 20 ha, còn lại là rau màu các loại. Thế nhưng, khi bà con xã viên trên địa bàn đang khẩn trương gieo trồng cho kịp khung thời vụ thì những trận mưa lớn, kéo dài trong các ngày từ 30-10 đến ngày 4-11 đã làm cho hầu hết diện tích cây vụ đông của huyện bị ngập lụt dài ngày trong nước, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển.
Để khắc phục hậu quả mưa úng, UBND huyện đã yêu cầu Ban chỉ đạo sản xuất vụ đông của huyện, đôn đốc các đơn vị, các HTX nông nghiệp, các phòng ban liên quan khẩn trương khôi phục, tiếp tục sản xuất vụ đông theo kế hoạch đã đề ra. Trước hết, tập trung mọi điều kiện, lực lượng, phương tiện thường trực trên các cánh đồng để khoanh vùng, huy động các trạm bơm, máy bơm dầu, điện tổ chức tiêu rút kiệt nước bảo vệ những cây đông đã trồng và cả những diện tích trong quy hoạch trồng cây đông của huyện.
Nhờ chủ động đối phó với mưa úng, tiêu thoát nước nhanh nên đến ngày 5-11 nhiều diện tích cây đông của huyện đã khôi phục kịp thời. Toàn huyện có 150 ha diện tích bị mất trắng. Một số diện tích bị ảnh hưởng nặng như khoai tây, ớt, khi tiêu nước đến đâu, các đơn vị hướng dẫn nhân dân tiếp tục tạo rãnh thoát nước và làm đất, kiểm tra loại bỏ những hốc khoai thối hỏng, xới xáo, trồng lại, trồng bổ sung bằng khoai tây, rau màu các loại vì những cây này còn trong khung thời vụ. Những diện tích trồng đậu tương trũng ngập úng 3 - 4 ngày liền, cây đã hỏng, thối rễ, lá héo thì chọn những cây còn khỏe dồn ruộng để chăm bón và trồng bổ sung mở rộng diện tích các cây rau, đậu khác. Các HTX, các xã, thị trấn cũng đã tính toán cân đối hợp lý, đầy đủ nguồn giống, phân bón cung cấp cho xã viên. Phòng Nông nghiệp, Trạm bảo vệ thực vật huyện đã tăng cường cử cán bộ xuống các đơn vị hướng dẫn nhân dân kỹ thuật gieo trồng, làm đất, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Đi đôi với việc chống úng, khôi phục sản xuất, UBND huyện, các đơn vị chỉ đạo nhân dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc cây màu, phấn đấu đạt năng suất, giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Huyện tăng cường cử cán bộ chuyên môn thường xuyên xuống kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, khi đến ngưỡng các HTX phải khuyến cáo nhân dân chủ động phun các loại thuốc phòng trừ kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Hiện tại, các loại cây trồng chưa xuất hiện sâu bệnh nhưng để phòng trừ các bệnh héo rũ, ròi đục thân... bà con nông dân cần phun phòng trừ bằng các loại thuốc như Rigan, Tanggo, Validacin 5 SC... và diệt chuột phá hoại hoa màu.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện và sự nỗ lực của nông dân, diện tích cây đông ở Hoa Lư đã được khôi phục lại sau đợt mưa úng dài ngày, đang sinh trưởng và phát triển đều.
Bài, ảnh: Thanh Thủy