Anh Trần Văn Thông, Đội 1-HTX Đại Phú (xã Ninh Khang) vừa là chủ của máy gặt đập liên hợp vừa là chủ của máy làm đất cho biết: Thời gian qua, máy gặt đập liên hợp của anh hoạt động liên tục hàng tháng trời không có ngày nghỉ. Vụ đông xuân 2017-2018, chỉ riêng máy của anh đã đảm nhiệm thu hoạch khoảng 1/4 diện tích lúa của HTX Đại Phú (trên 200 ha). Là người nông dân gắn bó mật thiết với đồng ruộng, anh biết rõ nỗi nhọc nhằn trong mỗi khâu sản xuất. Rời tay lái máy gặt, anh lại chuyển sang máy làm đất với diện tích hợp đồng thực hiện trên 200 ha.
Do vụ mùa có khung thời vụ kề cận với vụ đông xuân nên cần phải làm đất khẩn trương và được thực hiện bằng phương pháp lồng dầm. Trước mắt, những khu ruộng trũng còn giữ được nước được lồng dầm trước. Đây là khâu sản xuất nhọc nhằn, vất vả lại nằm trọn trong thời kỳ nắng nóng gay gắt, nên buổi sáng anh Thông thường phải đi làm sớm, nghỉ sớm; buổi chiều đi muộn, về muộn hoặc chạy máy vào ban đêm cho mát. Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Phú cho biết: Vụ mùa 2017, HTX dự kiến gieo cấy gần 200 ha lúa với cơ cấu chủ yếu là giống lúa thuần chất lượng cao, 100% cấy ở trà mùa trung và thực hiện chủ yếu bằng biện pháp gieo vãi. Vụ sản xuất này HTX tiếp tục khuyến khích nông dân đưa giống lúa nếp hạt cau vào sản xuất bởi sản phẩm dễ tiêu thụ, giá trị cao gấp 2-3 lần so với giống lúa khác. Trước đó, HTX đã cho bảo dưỡng, tu sửa 2 trạm bơm để đưa nước vào đồng ruộng. Toàn HTX có khoảng 15 máy làm đất, bình quân mỗi máy đảm nhiệm hơn chục ha. Khi đồng ruộng đã đủ nước thì các máy làm đất sẽ hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm để phấn đấu gieo cấy xong lúa mùa trong khung thời vụ.
Theo ông Nguyễn Thế Phong, Giám đốc HTX Ninh Thắng: Vụ mùa 2018, HTX dự kiến gieo cấy 231 ha, trong đó có khoảng 216 ha được thực hiện bằng biện pháp gieo vãi. Vụ đông xuân với điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi cho gieo vãi; còn vụ mùa là vụ sản xuất nằm trọn trong mùa mưa bão, rất dễ bị úng ngập nếu gặp mưa sau khi gieo vãi, nhưng nhân dân vẫn tự tin áp dụng biện pháp này nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật (gieo vãi xong gặp mưa không được tháo nước ngay sẽ làm trôi dồn mộng lúa; tạo luống, rãnh thoát nước hợp lý...); hệ thống kênh mương, máy bơm tưới tiêu ngày càng được tăng cường... Hiện nay, toàn bộ máy làm đất trong xã (trên 10 máy cỡ nhỏ) đã được huy động vào cuộc với phương châm làm nhanh, kỹ, nhuyễn và đến nay đã có khoảng 90% diện tích ruộng được lồng dầm đợt 1. HTX phấn đấu hoàn thành khâu làm đất trước ngày 10/7 để tạo điều kiện cho khâu gieo cấy xong trước ngày 15/7.
Đồng chí Vũ Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hoa Lư cho biết: Vụ mùa 2018, toàn huyện phấn đấu gieo cấy 2.499,5 ha; giảm trên 100 ha so với vụ trước là do đất phải thu hồi cho các dự án, chuyển đổi nuôi trồng thủy sản... Cơ cấu giống trong vụ chủ yếu là lúa thuần có diện tích trên 2.100 ha, gồm: KD18, LT2, BT7, Thiên ưu 8, Đài Thơm, nếp cau, nếp khác...; giống lúa lai chỉ chiếm 16% với các giống TH6, Tạp giao. Giống lúa chất lượng cao phấn đấu cấy 1.817 ha và diện tích cánh đồng mẫu lớn có khoảng 623 ha. Năng suất lúa phấn đấu đạt bình quân 55,35 tạ/ha. Trong vụ sản xuất này, mặc dù có khó khăn về thời tiết, khí hậu, dễ gặp mưa úng, nhưng với những tính ưu việt của biện pháp gieo vãi, cùng với hệ thống kênh mương, thủy lợi đã khá hoàn chỉnh... nên nhiều địa phương: Ninh An, Ninh Thắng, Ninh Vân, Ninh Hòa, Ninh Khang vẫn quyết tâm cao mở rộng diện tích lúa bằng biện pháp gieo vãi với tổng diện tích toàn huyện khoảng 1.591,8 ha và hoàn thành trước ngày 15/7. Với phương châm "Gặt đến đâu, cày ngay đến đó" và đến thời điểm ngày 27/6, toàn huyện đã thực hiện làm đất lồng dầm đợt 1 được khoảng 80%. Huyện phấn đấu từ ngày 10/7 sẽ xuống đồng gieo cấy rộ và hoàn thành khâu sản xuất này trước ngày 20/7.
Đinh Chúc