Đồng chí Bùi Duy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Hoa Lư đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu. ở lĩnh vực trồng trọt, huyện tập trung đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
Hàng năm, diện tích lúa gieo cấy trên 5.800 ha và luôn duy trì từ 8-11 mô hình cánh đồng mẫu lớn (đồng vùng, đồng trà, đồng giống, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất) với quy mô từ 30-100 ha/cánh đồng và tổng diện tích trên 500 ha. Sản xuất lúa chất lượng cao hàng năm chiếm trên 65% tổng diện tích lúa gieo cấy được, trong đó có khoảng 100 ha là giống lúa nếp cau đặc sản và tập trung ở các xã Ninh Khang, Ninh Hòa, Ninh Hải.
Diện tích lúa gieo thẳng, nhất là vụ đông xuân đã đạt tới 70% diện tích... Năng suất lúa tăng hơn trước từ 10-15%; giá trị sản xuất tăng từ 1,2-1,3 lần; bước đầu hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ổn định.
Những diện tích đất trũng, thấp, huyện tổ chức sản xuất theo phương thức lúa-cá tại các xã Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Hòa... nhằm khắc phục tình trạng bỏ ruộng trong vụ mùa và nâng cao giá trị trên 1 ha đất canh tác.
Đặc biệt, huyện đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp: Tập đoàn Lộc Trời, Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, doanh nghiệp tư nhân Chí Đường... đầu tư hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm ở các xã: Ninh Khang, Ninh Mỹ.
Các vùng trên được sản xuất theo chuỗi giá trị và đang từng bước được mở rộng với giá trị liên kết ước đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm/HTX. Huyện cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, như: Công ty Hùng Vương sản xuất hoa lan tại xã Ninh An; Công ty cổ phần du lịch Doanh Sinh, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Văn Sỹ đầu tư sản xuất rau sạch tại Ninh Hải, Ninh Mỹ.
Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa với gia trại, trang trại; trên cơ sở đó dần hình thành vùng chăn nuôi an toàn, thuận lợi cho kiểm soát dịch bệnh. Đẩy mạnh phát triển đàn dê tại các xã Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Xuân...và hình thành khu bán thịt dê tập trung tại Trường Yên và Ninh Xuân phục vụ khách du lịch. Tính đến tháng 4/2018, số lượng đàn dê, đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, có 4.135 con dê, 10.270 con lợn, 222.100 con gia cầm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 1.325 tấn...
Trong lĩnh vực thủy sản, huyện xác định trọng tâm là nuôi trồng thủy sản ruộng trũng theo phương thức 1 vụ lúa - 1 vụ cá và chủ yếu ở các xã như Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Xuân với hình thức nuôi là thâm canh, bán thâm canh. Thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.
Những diện tích có điều kiện tổ chức sản xuất thâm canh loại thủy sản có giá trị kinh tế cao: Trắm đen, baba, ốc nhồi... tại các xã Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Giang, Ninh Vân; từng bước khôi phục, nhân giống và nuôi cá rô Tổng Trường, cá Trầu tiến vua ở Ninh Hải và Trường Yên. Đến hết năm 2017, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đạt 550,68 ha, trong đó có khoảng 440,7 ha lúa-cá, chiếm 80,02%; sản lượng thủy sản đạt 1.322 tấn.
Vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm sức lao động, nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất trong sản xuất, giảm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả và giá trị cao... cũng được huyện đẩy mạnh. Trong những năm qua, các HTX nông nghiệp và người dân đã chủ động, tích cực đầu tư đưa máy móc vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp.
Ưu thế của huyện là có sông ngòi phong phú; hệ thống thủy lợi được thiết kế phù hợp với 451,8 km kênh mương, trong đó có 148,8 km kênh tưới, 135,9 km kênh tiêu và 167 km kênh tưới tiêu kết hợp... đảm bảo tưới tiêu kịp thời cho cây trồng, cũng như tạo điều kiện cho phương thức canh tác tiên tiến, tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn và thực hiện cơ giới hóa vào nông nghiệp.
Đến hết năm 2017, trên địa bàn huyện đã có khoảng 425 máy các loại, trong đó: 118 máy bơm nước, 130 máy phun thuốc BVTV, 29 máy gặt đập liên hợp, 141 máy chế biến lương thực, 5 máy gieo vãi, 2 máy cấy...Toàn huyện đã thực hiện cơ giới hóa được 100% khâu làm đất, 100% khâu tưới tiêu và 100% khâu thu hoạch; 19% khâu gieo cấy, 44% khâu phun thuốc BVTV...
Nếu như năm 2013, trước khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bình quân các xã mới đạt 12,5 tiêu chí nông thôn mới/xã thì đến năm 2016 tất cả các xã đã đạt 19/19 tiêu chí và Hoa Lư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước theo bộ tiêu chí mới.
Hiện nay, huyện tiếp tục tập trung đầu tư nguồn lực cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm duy trì, củng cố, hoàn chỉnh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được; trong đó chú trọng đầu tư cho phát triển sản xuất với các chính sách như: Hỗ trợ thực hiện cánh đồng mẫu lớn 420.000 đồng/ha và giai đoạn 2017-2020 hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha; hỗ trợ dồn điền, đổi thửa 1.000.000 đồng/ha và đang triển khai kế hoạch hỗ trợ chỉnh lý biến động đất đai cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa; lồng ghép các nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, sản xuất lúa-cá...
Đến hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 38 triệu đồng/năm, tăng 18,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 3,76%.
Từ thực tiễn ở huyện Hoa Lư, có thể thấy mục tiêu của tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp là bố trí, sắp xếp lại sản xuất theo hướng hàng hóa, bền vững gắn với thị trường nhằm nâng cao năng suất lao động, giá trị và hiệu quả của sản xuất. Đó cũng là mục tiêu cao cả, lâu dài mà chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hướng tới.
Đinh Chúc