Những ngày đầu tháng 4, trên các tuyến đường, cổng chào vào huyện Hoa Lư, đường về xã Trường Yên, tại các điểm cửa ngõ ngã 3 cầu huyện, các khu di tích, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Hoa Lư…, đều đã được chăng cheo các loại cờ hoa, cờ thần, cờ Tổ quốc với đầy đủ sắc màu và nhiều băng giôn chào mừng lễ hội, quảng bá du lịch Cố đô Hoa Lư được chăng cheo chào đón khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu.
Tại các điểm sẽ diễn ra các hoạt động trong dịp lễ hội như: Đền Vua Đinh, Vua Lê, nhà bia Lý Thái Tổ, bãi hội, hồ bán nguyệt, sân hội, núi Lăng, núi Cột Cờ… cũng được cắm nhiều cờ hội, cờ Tổ quốc cỡ lớn, tung bay rực rỡ để quảng bá cho lễ hội lớn của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Lễ hội Hoa Lư 2017 năm hay, huyện Hoa Lư được Ban Tổ chức lễ hội cấp tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện phần lớn những lễ trọng trong phần Lễ và nhiều hoạt động trong phần Hội nên việc triển khai thực hiện càng trở nên cần thiết và gấp rút hơn bao giờ hết.
Trước đó, thực hiện Kế hoạch số 12 của UBND tỉnh về việc tổ chức lễ hội Hoa Lư năm 2017, huyện Hoa Lư đã thành lập Tổ công tác tham gia lễ hội, ban hành thông báo phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ công tác; đồng thời tổ chức các hội nghị triển khai, nắm bắt tình hình tới các thành viên Tổ công tác, các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn trong huyện.
Công tác thông tin tuyên truyền được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền trực quan, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan về lễ hội.
Toàn huyện đã treo trên 6 nghìn lượt cờ các loại, 55 lượt cờ dây, sửa chữa 200m3 pano. Đài Truyền thanh huyện xây dựng các tin, bài tăng cường thời lượng phát sóng trên đài truyền thanh 3 cấp về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của lễ hội.
Đối với các hoạt động tại lễ hội, huyện Hoa Lư đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Tổ công tác, các xã trên địa bàn triển khai thực hiện.
Theo đó, phần lễ với các lễ: Mở cửa đền, Rước nước, Tế lễ cổ truyền, Rước kiệu, Cầu siêu, Hoa đăng, Mộc dục, Tiến phẩm hầu hết được giao cho xã Trường Yên triển khai thực hiện.
Đối với một số lễ như lễ Rước nước, lễ Rước kiệu, ngoài chủ trì là xã Trường Yên với các kiệu, phường bát âm, các đoàn rước, tế lễ…, còn có sự tham gia đóng góp của các đội múa Lân, múa Sư tử xã Ninh An, Ninh Vân; các Đoàn tế Nam quan, Nữ quan, Đồng quan của các xã Ninh Xuân, Ninh Giang; các kiệu đến từ những di tích lịch sử-văn hóa liên quan đến các triều Đinh, Tiền Lê ở các xã Ninh Giang… tạo thành không khí lễ hội linh thiêng, nhộn nhịp và đa sắc màu văn hóa.
Với các hoạt động tại phần hội như giao lưu nghệ thuật quần chúng, hội trại thanh niên, thi thư pháp, mâm ngũ quả tiến Vua, thi chọi gà, ẩm thực, vật dân tộc, cờ tướng… là những phần thi phối hợp với các tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện Hoa Lư giao cho Trung tâm văn hóa - thể thao huyện, Đoàn thanh niên, MTTQ huyện, Hội phụ nữ, Nông dân triển khai phối hợp thực hiện hiệu quả.
Riêng với các hoạt động do huyện tổ chức như thi chèo thuyền khéo, giao lưu bóng chuyền, tổ tôm điếm, UBND huyện giao cho Hội nông dân, Trung tâm văn hóa- thể thao huyện xây dựng kế hoạch, tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất phục vụ cuộc thi.
Hiện Hội nông dân huyện đang tiến hành làm sa hình tại khu vực bến thuyền lễ hội, phối hợp với xã Ninh Hải thuê thuyền phục vụ cuộc thi chèo thuyền khéo. Cùng với đó, văn phòng huyện Hoa Lư cũng chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở VH&TT chuẩn bị các điều kiện về lễ tân, hậu cần, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ lễ hội.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Cúc, đối với phần hội, nhiều năm qua, huyện Hoa Lư có chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian tại lễ hội, kêu gọi các địa phương, đơn vị, các đoàn thể và người dân cùng du khách tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao để tạo không khí vui tươi, sôi nổi, hào hứng trong những ngày diễn ra lễ hội.
Trong đó chú trọng và đặc biệt ưu tiên những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, như: Biểu diễn múa rồng, biểu diễn cồng chiêng, múa trống, rối nước, thi cắm trại, thi mâm ngũ quả tiến vua, thi thư pháp, thi ẩm thực, thi cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà, bắn cung, bắn nỏ; giao lưu bóng chuyền các đơn vị của huyện Hoa Lư, giải vật dân tộc tỉnh Ninh Bình năm 2017; chương trình ca múa nhạc dân tộc, triển lãm ảnh nghệ thuật "Non nước Ninh Bình"' trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản tiêu biểu của tỉnh, hoạt động quảng bá du lịch Ninh Bình...
Đến nay, huyện Hoa Lư đã chuẩn bị cơ bản các điều kiện phục vụ cho ngày khai hội. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đang hoàn thành nốt 3 pano thông báo chương trình lễ hội (3mx4m) tại khu vực trước Bưu điện xã Trường Yên, ngã ba cầu huyện và bến xe lễ hội.
Xây dựng dàn tranh cổ động 90m2 tại khu vực trung tâm lễ hội và các cụm pano tuyên truyền tại khu vực Cố đô Hoa Lư. Cùng với đó chỉ đạo các xã, thị trấn treo cờ hội, cờ Tổ quốc, cheo băng giôn tuyên truyền và vận động nhân dân treo cờ Tổ quốc tại gia đình…
Đặc biệt, để giữ gìn nét văn hóa, văn minh lễ hội, huyện Hoa Lư cũng hết sức quan tâm, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm tại lễ hội như chèo kéo du khách mua hàng, chụp ảnh, các trò bói toán, xóc thẻ... nhằm đảm bảo một lễ hội văn minh, an toàn, tiết kiệm, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, giữ được nét độc đáo của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư lịch sử.
Mỹ Hạnh-Minh Quang