Bắt tay vào sản xuất vụ mùa, huyện Hoa Lư tính toán đến các giải pháp khắc phục tình trạng không đồng đều về cốt đất giữa các vùng. Do đặc trưng là vùng có địa hình không thuận lợi, có nhiều núi nên số diện tích là chân ruộng trũng chiếm gần 300 ha ở các xã như Ninh Hòa, Ninh Hải, Ninh Xuân..., bởi vậy UBND huyện, các xã đã chỉ đạo nhân dân đưa các giống lúa phù hợp, có khả năng chống chịu sâu bệnh, có năng suất, giá trị sản lượng cao như các giống lúa thuần vào sản xuất. Những diện tích này chủ yếu được bố trí ở trà lúa mùa trung. Riêng những diện tích dự kiến trồng cây vụ đông, các đơn vị đã vận động nhân dân bố trí cấy hoàn toàn bằng trà lúa mùa sớm. Nhờ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, đến trung tuần tháng 7 toàn huyện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa mùa.
Bước sang tháng 8, bà con xã viên trong toàn huyện đã chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa mùa. UBND huyện, các phòng chức năng đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các xã, HTX tiến hành kiểm tra tình hình sâu bệnh, nước ... để có biện pháp xử lý, khắc phục và khuyến cáo bà con xã viên phòng, chống hiệu quả. Các HTX cũng nỗ lực chuẩn bị các khâu dịch vụ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng điền... cung ứng đầy đủ, kịp thời khi xuất hiện các ổ nhóm sâu bệnh hại lúa. Đặc biệt là việc cung cấp nước đã được các xã, HTX phối hợp chặt chẽ với Đội khai thác công trình thủy lợi huyện đảm bảo duy trì lượng nước vừa đủ để lúa đẻ nhánh, sinh trưởng, làm đòng. Ngoài việc đảm bảo nguồn nước, bà con xã viên còn tích cực làm cỏ sục bùn, bón phân và diệt ốc bươu vàng, chuột phá hoại. Trên một số diện tích lúa mới cấy đã phân hóa đòng và trỗ bông như HTX Đông Vân, Tây Vân, Đại Sơn... do mạ đủ tuổi cấy nhưng chưa làm đất xong, mạ gieo dược mật độ dày, dảnh nhỏ, mạ bị ống lại cấy sâu tay, cấy nhiều dảnh, lượng phân bón lót ít, thậm chí cấy chay, UBND huyện, phòng chức năng đã nhanh chóng tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời. Đối với những diện tích lúa xấu, có đòng xử lý bằng cách bón bổ sung các loại phân chuồng mục, phân vi sinh 10 kg, lân 10 kg, đạm 3 - 4 kg, kali 2 - 3 kg/sào, kết hợp với cào cỏ sục bùn và có thể phun thêm phân kích thích qua lá. Những diện tích lúa đỏ bị nghẹt rễ được chỉ đạo khắc phục bằng cách ngừng ngay việc bón phân đạm, bón bổ sung vôi từ 10 - 15 kg, lân nung chảy 10 - 15 kg/sào, kết hợp cào cỏ, sục bùn.
Hiện nay lúa mùa của huyện sinh trưởng và phát triển tốt. Trà lúa mùa sớm đã có trên 1.000 ha đã trổ bông, trà mùa trung ở giai đoạn đòng già chuẩn bị trổ bông. Riêng 3% diện tích cấy trà mùa muộn lúa đang phân hóa đòng. Đảm bảo cho lúa nhiều hạt, chắc mẩy, các địa phương đang tích cực tập trung phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Một số diện tích nhỏ lẻ, rải rác bắt đầu xuất hiện sâu đục thân với mật độ thấp 3 con/m2 đang được chỉ đạo phun thuốc kịp thời, không để lây lan, phát triển ra diện rộng.
Hoàng Tâm