Ông Đỗ Đình Long, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Vân (xã Ninh Vân) chia sẻ: Điều kiện thời tiết, khí hậu năm nay khá thuận lợi cho việc cày ải. Với 10 máy cày loại trung có trong địa bàn, HTX đã triển khai thực hiện cày ải ngay từ đầu tháng 11-2016 và cày được 172 ha, trong tổng số 180 ha ruộng dự kiến gieo cấy lúa đông xuân, đạt 95%. Đây là một giải pháp kỹ thuật có nhiều tính ưu việt của vụ lúa đông xuân nếu làm đúng yêu cầu và quy trình kỹ thuật. Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc làm ải là phải cày sớm, cày đất lật úp thành luống, ải phải nỏ mới có tác dụng. Cày ải có tác dụng diệt cỏ dại và các mầm mống sâu bệnh còn tồn dư, lưu trú trên đồng ruộng; hạn chế sự tồn tại, lưu trú của rầy nâu, rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá; đồng thời khắc phục được loại bệnh nghẹt rễ lúa xuất hiện nhiều khi không thực hiện được biện pháp kỹ thuật cày ải. Đã lâu rồi, năm nay HTX mới lại làm ải được và cứ năm nào làm được đất ải thì vụ đông xuân năm đó sẽ cho năng suất cao.
Ông Đinh Trọng Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trung Bãi Trữ (Ninh Giang) cho biết: Làm đất ải có vai trò lớn trong việc cải tạo hệ vi sinh vật đất ruộng cấy lúa. Việc thâm canh 2 vụ lúa trong năm (đông xuân và mùa) với yêu cầu luôn phải có đủ nước cho lúa sinh trưởng và phát triển đã làm cho đồng ruộng liên tục bị ngập nước, sinh ra yếm khí.
Khi đó hệ vi sinh vật hảo khí có lợi cho cây trồng hoạt động kém; đất ngập nước lâu ngày sẽ tồn tại một số chất khí có hại cho cây trồng, như: H2S, CH4...
Khi thực hiện cày ải, phơi đất nỏ sẽ tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật hảo khí hoạt động, các chất khí độc có hại cho cây trồng sẽ thoát ra bay vào không khí làm cho đất thông thoáng, tơi xốp lên.
Từ trung tuần tháng 11-2016, HTX đã thực hiện cày ải được 130 ha trong tổng số 134 ha dự kiến gieo cấy lúa, đạt gần 100% tổng diện tích gieo cấy lúa. Đất làm ải được phơi nắng với chất lượng khá tốt và đang trong thời kỳ bắt đầu đổ ải.
Theo đồng chí Vũ Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Hoa Lư: Vụ đông xuân năm 2016-2017, toàn huyện dự kiến gieo cấy 3.096,2 ha lúa với 100% diện tích ở trà xuân muộn; chỉ có gần 35% diện tích cấy giống lúa lai, còn lại là giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao; có từ 1.200 ha trở lên là lúa chất lượng cao; mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn có từ 30 ha trở lên để đạt tổng diện tích cánh đồng mẫu trong toàn huyện là 772 ha; năng suất phấn đấu bình quân chung toàn huyện là 67,55 tạ/ha...
Để giành thắng lợi vụ đông xuân này, huyện đã đề ra các giải pháp như: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; bố trí thời vụ kịp thời hợp lý; cung ứng vật tư (giống, phân bón, nước tưới) phục vụ; tập huấn chuyển giao kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh trong vụ..., trong đó cày ải là một giải pháp hữu hiệu.
Đến thời điểm cuối tháng 12-2016, toàn huyện đã làm đất để gieo cấy lúa được 329,2 ha (làm đất dầm), chủ yếu ở Ninh Hải 274,2 ha, Trường Yên 55 ha; gieo mạ được 3,2 ha cũng ở các địa phương trên. Trước đó, phong trào làm thủy lợi nội đồng đã được phát động mạnh mẽ trong toàn huyện và đã đào đắp được 28.694 m3 đất thủy lợi nội đồng, thực hiện kiên cố hóa 580 m kênh mương.
Đặc biệt phong trào cày đất làm ải cũng đã được quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh với gần 1.200 ha ruộng cấy lúa được cày ải sớm và đang trong thời kỳ đổ ải. Đây là điểm đáng chú ý nhất trong vụ đông xuân 2016-2017 của huyện Hoa Lư.
Một số đơn vị có diện tích đất cày ải lớn là: Xã Trường Yên 320,6 ha trong tổng số 419 ha kế hoạch; xã Ninh Giang có 205 ha được cày ải trong tổng số 282,2 ha kế hoạch, xã Ninh Vân có 273 ha được cày ải trong tổng số 360 ha; xã Ninh An có 272,2 ha được cày ải trong tổng số 305,5 ha được cày ải...
Từ thời xa xưa ông cha ta đã có câu "Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân". Câu ví von này đã nói lên tất cả về lợi ích và hiệu quả của việc làm đất ải đối với vùng đất chuyên trồng lúa nước của huyện Hoa Lư nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Đinh Chúc