Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hà Minh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hoa Lư cho biết: Năm học 2018-2019, huyện Hoa Lư có 11 trường tiểu học với quy mô 183 lớp và 5.887 học sinh. Huyện có 11/11 trường tiểu học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 theo Thông tư 59/2014 của Bộ GD&ĐT; 100% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 theo Thông tư 42/2014 của Bộ GD&ĐT; 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học mức độ 3 theo Nghị định 20/2016/NĐ-CP của Chính phủ... Đội ngũ giáo viên cơ bản ổn định, tâm huyết với nghề nghiệp, nhiệt tình, trách nhiệm, nhất là thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Cơ sở vật chất được đảm bảo và ngày càng được đầu tư, 100% phòng học và phòng chức năng là phòng kiên cố, trang thiết bị được đầu tư theo hướng hiện đại.
Nổi bật trong đó là dạy học theo mô hình VNEN. Mô hình này thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân học sinh, chuyển từ việc truyền thụ của giáo viên thành việc hướng dẫn học sinh tự học. Lớp học do học sinh tự quản và được tổ chức theo các hình thức như: Làm việc theo cặp, làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm, trong đó hình thức học theo nhóm là chủ yếu. Học sinh được học trong môi trường học tập thân thiện, thoải mái, luôn được gần gũi bạn bè, thầy cô, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của các em. Mô hình trường học VNEN được triển khai thí điểm từ năm học 2013-2014 tại Trường Tiểu học thị trấn Thiên Tôn ở khối lớp 3. Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình và từng bước nhân rộng, đến năm học 2016-2017, huyện Hoa Lư chỉ đạo 100% các trường tiểu học trong toàn huyện thực hiện dạy học theo mô hình VNEN ở một số khối lớp, năm học 2018-2019 có 125 lớp ở 11 trường tiểu học dạy học theo mô hình này. Qua hơn 5 năm thực hiện, đánh giá mô hình VNEN cho thấy mô hình thuận lợi cho cả thầy và trò, đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ tính ưu việt trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong giai đoạn hiện nay.
Đối với phương pháp dạy học theo hình thức "Bàn tay nặn bột", là phương pháp dạy học khoa học dựa trên cơ sở khoa học của sự tìm tòi-nghiên cứu, áp dụng cho việc dạy học các môn khoa học tự nhiên. Theo phương pháp này, dưới sự giúp đỡ của giáo viên, chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra để từ đó hình thành kiến thức cho mình. Cùng với khuyến khích các trường tiểu học áp dụng nhân rộng mô hình học này, Phòng Giáo dục huyện Hoa Lư cũng tổ chức 1 chuyên đề cấp tỉnh, 2 chuyên đề cấp huyện về dạy học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" nhằm phát huy những ưu điểm và tháo gỡ những khó khăn về phương pháp dạy học này. Điều đáng nói là, việc dạy học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" lồng ghép với mô hình dạy học VNEN được thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Tại đó, giáo viên được quyền chủ động nghiên cứu và áp dụng phương pháp giảng dạy theo nội dung của tiết học, học sinh được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá kiến thức khoa học, qua đó hình thành cho các em năng lực tư duy, năng lực giao tiếp, hợp tác.
Việc xây dựng mô hình thư viện thân thiện trong trường tiểu học được quan tâm nhằm giúp bổ sung tri thức, mở mang trí tuệ, bồi đắp nhân cách, xây dựng nền tảng văn hóa cá nhân và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Hàng năm, các trường đăng ký xây dựng thư viện thân thiện, Phòng Giáo dục huyện chỉ đạo các nhà trường tận dụng tối da các nguồn lực từ các chương trình, xã hội hóa để phát triển thư viện thân thiện; phát triển thư viện xanh, thư viện lớp học nhằm tạo không gian đọc sách theo hướng mở; tổ chức cho học sinh thường xuyên đọc sách tại thư viện, mượn sách về nhà đọc, đa dạng hóa các hình thức đọc sách cho học sinh... Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tác dụng của thư viện thân thiện trường tiểu học...
Cùng với đó, Phòng Giáo dục chỉ đạo các trường tiểu học trong toàn huyện tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như hoạt động trải nghiệm theo chủ đề, hoạt động của các CLB, sân khấu hóa các hình thức giáo dục... Năm học 2018-2019, các trường tiểu học đã tổ chức nhiều chuyên đề hiệu quả, ý nghĩa, tiêu biểu như các chuyên đề: "Hội chợ quê" và "Hát mãi khúc quân hành" của Trường Tiểu học Ninh Hải; "Cùng con khôn lớn" và "ẩm thực gia đình" của Trường Tiểu Ninh Hòa; chuyên đề "Ngày hội tiếng Anh" và "Lòng hiếu thảo" tại Trường Yên; chuyên đề giao lưu giữa các CLB âm nhạc, mỹ thuật tại Trường Tiểu thị trấn Thiên Tôn; chuyên đề giáo dục gắn với di sản tại Trường Tiểu Ninh Khang... Các hoạt động ngoại khóa này đã trang bị cho học sinh tiểu học những kỹ năng sống cần thiết, góp phần giúp các em phát triển nhân cách một cách toàn diện.
Sau 5 năm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Hoa Lư đã triển khai thực hiện đầy đủ, có chất lượng các hoạt động giáo dục. Có thể thấy, so với phương pháp dạy học truyền thống, với các phương pháp dạy học mới, giáo viên đóng vai trò hỗ trợ và tổ chức các hoạt động cho học sinh. Học sinh tự giác, chủ động và tích cực hoạt động học tập để tiếp thu tri thức. Đồng thời, việc đánh giá học sinh, đánh giá cả quá trình học tập được đánh giá bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó coi trọng đến khả năng hình thành năng lực và vận dụng để giải quyết tình huống. Từ đó, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trường ổn định và phát triển toàn diện, đặc biệt học sinh được phát triển về năng lực và phẩm chất, góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội và đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục trong tình hình hiện nay.
Hạnh Chi