Vụ đông xuân 2019-2020, gia đình bà Đinh Thị Huệ, xã Ninh Khang gieo cấy trên 1 mẫu lúa; trong đó gia đình bà dành ra khoảng 1 sào để gieo cấy giống lúa Đài thơm 8 là giống lúa mới được nhiều người dân ưa chuộng; phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau; cho năng suất vượt trội. Bà Huệ cho biết: Với hơn 1 mẫu lúa, gia đình bắt đầu gieo vãi từ ngày mùng 8 tháng Giêng và đến nay lúa đã lên xanh. Song, một số diện tích do nước đọng, chuột và ốc bươu vàng phá…nên phải dặm tỉa lại. Để khắc phục tình trạng chuột phá hoại, gia đình tôi đã phải mua ni lông quây kín khu ruộng của mình dành thời gian bắt ốc bươu vàng trong đồng ruộng; đồng thời bón phân đầy đủ và kịp thời để lúa phát triển nhanh.
Tại thửa ruộng gần 2 mẫu của gia đình bà Lê Thị Ngân, xã Ninh Mỹ cũng đã được quây ni lông cẩn thận do nằm gần với đường giao thông nơi chuột thường làm tổ, gây hại cho lúa. Vụ đông xuân 2019-2020, gia đình bà Ngân gieo cấy bằng giống lúa Bắc Thơm số 7, đến thời điểm này lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình bà cũng đã mua trên 3 tạ phân NPK Ninh Bình để bón thúc cho lúa phát triển và đẻ nhánh thuận lợi. Trong thời gian tới, bà tiếp tục theo dõi sát sao đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh và có giải pháp xử lý kịp thời.
Theo ông Nguyễn Năng Nhiệm, Phó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hoa Lư: Vụ lúa đông xuân 2019-2020, huyện Hoa Lư gieo cấy 3.041,2 ha lúa, năng suất phấn đấu 67,78 tạ/ha; phấn đấu có 1.786,8 ha lúa chất lượng cao trở lên. Để đạt được mục tiêu này, huyện xác định xây dựng những mô hình cánh đồng mẫu lớn có diện tích từ 30 ha trở lên, cấy đồng giống, đồng trà với tổng diện tích khoảng 815,5 ha và cấy bằng các giống lúa chất lượng cao. Bố trí hợp lý cơ cấu giống lúa theo từng vùng miền với trên 20% diện tích cấy giống lúa lai, gần 80% diện tích giống lúa thuần và 100% ở trà xuân muộn. Một trong những giải pháp quan trọng là phải đảm bảo được vấn đề thời vụ, trong đó khâu gieo cấy lúa phải ở trong khung thời vụ tốt nhất. Thực hiện tốt biện pháp chăm sóc, bón phân theo tinh thần "Bón đúng, đủ và cân đối NPK" theo định mức và yêu cầu của cây trồng ứng với từng chân đất.
Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, các địa phương và hợp tác xã nông nghiệp đã tập trung đôn đốc bà con nông dân thực hiện kế hoạch sản xuất, chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp cần thiết như giống lúa, phân bón và chú trọng công tác làm đất. Do đó, toàn bộ việc gieo cấy đã được thực hiện theo đúng lịch thời vụ. Ngay sau khi hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân, huyện tiếp tục chú trọng công tác chăm sóc và bảo vệ lúa. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Hoa Lư, các xã, thị trấn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới bà con nông dân thông qua hệ thống phát thanh về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, trong đó chú trọng bón thúc cho lúa phát triển, diệt trừ ốc bươu vàng, chuột bọ gây hại và theo dõi sát sao tình hình diễn biến sâu bệnh, trong đó chú ý tới các đối tượng sâu bệnh như: Bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, rầy nâu, chuột. Trong thời gian tới, huyện Hoa Lư sẽ phân công cán bộ xuống xã trực tiếp cùng các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa, phát hiện diễn biến sâu bệnh để có những giải pháp xử lý kịp thời.
Đinh Chúc