Vụ đông xuân 2017-2018 này, gia đình bà Vũ Thị Hồng, xã Ninh Khang gieo cấy gần 4 sào lúa. Trong đó gia đình bà dành ra khoảng 1 sào để trồng thử giống lúa Đài thơm 8. Bà Hồng cho biết, đây là giống lúa mới được nhiều bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau, cho năng suất vượt trội.
Vì vậy, vụ đông xuân này gia đình quyết định trồng thử. Khi gặp chúng tôi, bà Hồng cho biết: Tôi bắt đầu gieo vãi từ ngày mùng 10 tháng Giêng song đến nay phải dặm tỉa lại vì một phần diện tích bị ốc bươu vàng phá. Để khắc phục tình trạng này, song song với việc dặm tỉa lúa, bà Hồng còn tìm và diệt ốc trong đồng ruộng, đồng thời bón phân để lúa phát triển nhanh.
Tại thửa ruộng rộng gần 2 mẫu của gia đình bà Trần Thị Phương, xã Ninh Mỹ đã được quây nilon cẩn thận. Bà Phương cho biết, thửa ruộng của gia đình nằm sát với đường giao thông nên chuột thường làm tổ, gây hại cho lúa trong vụ sản xuất. Bởi vậy, việc quây nilon xung quanh đồng ruộng sẽ giúp ngăn ngừa phần nào sự phá hoại của loài chuột.
Vụ đông xuân 2017-2018 này, gia đình bà Phương gieo cấy giống lúa Bắc Thơm số 7, bắt đầu từ ngày 11/2/2018. Bà Phương cho biết thêm, thời tiết năm nay khá thuận lợi nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Từ ngày 3/3, bà đã mua gần 4 tạ phân lân Ninh Bình để bón thúc cho lúa phát triển và đẻ nhánh thuận lợi. Trong thời gian tới, bà sẽ tiếp tục theo dõi sát sao đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh và có giải pháp xử lý kịp thời.
Vụ đông xuân 2017-2018, huyện Hoa Lư gieo cấy tổng diện tích hơn 3.000ha lúa, phấn đấu năng suất từ 67,4 tạ/ha trở lên. Hiện nay huyện đang tập trung sản xuất lúa đông xuân theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chú trọng mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao đảm bảo gọn vùng, đồng giống, đồng trà; đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu vừa và lớn ở các xã có điều kiện để từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa hàng hóa và xây dựng thương hiệu "Gạo Tràng An".
Theo đó, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2017-2018 đã được UBND huyện công bố và triển khai cụ thể tới 11 xã, thị trấn và 27 hợp tác xã nông nghiệp ngay từ tháng 11/2017. Các địa phương và hợp tác xã nông nghiệp đã tập trung đôn đốc bà con nông dân thực hiện kế hoạch sản xuất, chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp cần thiết như giống lúa, phân bón và chú trọng công tác làm đất.
Do đó, toàn bộ việc gieo cấy đã được thực hiện theo đúng lịch thời vụ. Ngay sau khi hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân, huyện tiếp tục chú trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ lúa. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Hoa Lư, các xã, thị trấn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới bà con nông dân thông qua hệ thống phát thanh về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, trong đó chú trọng công tác bón thúc cho lúa phát triển, diệt trừ ốc bươu vàng, chuột bọ gây hại và theo dõi sát sao tình hình diễn biến sâu bệnh.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, tình hình thời tiết thủy văn vụ đông xuân 2017-2018 có diễn biến phức tạp. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trái mùa mang tính cục bộ; nắng nóng, dông, tố, lốc, mưa đá có thể xuất hiện bất thường.
Tình hình phát sinh của các đối tượng sâu bệnh như: Bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, rầy nâu, chuột… có thể sẽ diễn biến phức tạp, là yếu tố tác động rất lớn đến sản xuất vụ đông xuân 2017-2018. Trong thời gian tới, huyện Hoa Lư sẽ phân công cán bộ xuống xã trực tiếp cùng các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa, phát hiện diễn biến sâu bệnh để có những giải pháp xử lý kịp thời.
Thái Học