Kinh nghiệm ở đơn vị làm điểm Ninh Giang là một trong 25 xã được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Năm 2011, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình này, địa phương mới đạt được 8/19 tiêu chí nhưng chỉ sau hơn 3 năm tập trung triển khai với những giải pháp cụ thể, đến năm 2014 xã đã đạt được 19/19 tiêu chí, về đích trong xây dựng nông thôn mới.
Nhớ lại thời điểm năm 2011, đồng chí Bùi Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trong các tiêu chí chưa đạt, chúng tôi thấy khó khăn nhất vẫn là tiêu chí về đường giao thông nông thôn, về cơ sở vật chất văn hóa. Các tiêu chí này phải đầu tư nguồn kinh phí rất lớn nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước lại có hạn, do vậy phải huy động được nguồn lực đóng góp trong nhân dân.
Trước thực tế đó, giải pháp đầu tiên mà xã triển khai đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền thông qua các hội nghị, đài truyền thanh, pa nô, áp phích, tham quan học tập ở tỉnh bạn… nhằm làm cho mọi người dân hiểu và đồng tình ủng hộ xây dựng nông thôn mới, nhất là ủng hộ xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm. Mỗi địa phương tùy theo đặc điểm của mình tổ chức họp bàn, thống nhất cách làm sao cho phù hợp. Từ năm 2011 đến nay, xã đã xây dựng mới và nâng cấp 6 nhà văn hóa thôn xóm, trong đó con em quê hương và nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, địa phương cũng coi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Xã đã tập trung vận động nhân dân, đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Tổ chức phân vùng sản xuất, chuyển diện tích đất 1 lúa, đất thùng đào sang nuôi trồng thủy sản, xây dựng trang trại. Toàn xã hiện có 21 trang trại, gia trại, 42 hộ nuôi trồng thủy sản, 25 hộ chăn nuôi trâu bò. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2014 là trên 26 triệu đồng.
Nhờ việc huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, Ninh Giang đã trở thành địa phương đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Chọn khâu đột phá để triển khai thực hiện
Đồng chí Bùi Duy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Từ kinh nghiệm của Ninh Giang cũng như việc khảo sát đặc điểm tình hình, khó khăn mà các địa phương đang gặp phải, huyện xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Nhiều hạng mục công trình như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trạm bơm, hệ thống kênh mương... được đầu tư tu bổ, xây mới với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Trong đó nhân dân trong huyện và con em xa quê hương đóng góp trên 90 tỷ đồng. Quá trình triển khai xây dựng các công trình, điển hình là phong trào làm đường giao thông nông thôn, dồn điền, đổi thửa, nhân dân các địa phương còn tự nguyện hiến trên 50.000 m2 đất và đóng góp gần 40.000 ngày công lao động. Bên cạnh đó, huyện đã quyết định hỗ trợ kinh phí mua vật liệu (ngoài xi măng) cho 3 xã làm trước, mỗi xã 300 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ kinh phí làm nhà văn hóa xã với mức 500 triệu đồng/xã…
Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời đây cũng là tiền đề để Hoa Lư triển khai thực hiện các tiêu chí khác một cách thuận lợi, nhất là tiêu chí về thu nhập. Thực tế cho thấy để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đều ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Theo đó, các xã, hợp tác xã tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; triển khai dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; mở rộng diện tích cấy lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Hiện nay lúa chất lượng cao toàn huyện chiếm gần 40% diện tích gieo trồng; mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 100 ha ở xã Trường Yên bước đầu phát huy hiệu quả. Hàng năm, năng suất lúa của huyện luôn được xếp ở vị trí hàng đầu của tỉnh. Giá trị sản phẩm trên một ha canh tác từ 70 triệu đồng năm đầu nhiệm kỳ tăng lên 85 triệu đồng năm 2014, vượt 6,25% so với chỉ tiêu Đại hội đề ra.
Cũng nhằm mục đích nâng cao thu nhập cho người dân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ dạy nghề cho nông dân và lao động bị thu hồi đất phục vụ các dự án triển khai trên địa bàn. Trung bình mỗi năm có trên 2.600 lao động có việc làm mới. Hàng năm đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt việc bình xét hộ nghèo, phân loại hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; đánh giá nguyên nhân, phân công các đoàn thể đứng ra giúp đỡ; tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,61% (năm 2011) xuống còn 3% (năm 2014).
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay ngoài xã Ninh Giang đã đạt chuẩn, các xã còn lại của Hoa Lư đều đạt từ 9 đến 17 tiêu chí, số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 15,2 tiêu chí, tăng 8,1 tiêu chí so với năm 2011. Kết quả trên đã góp phần làm nâng lên diện mạo nông thôn trong huyện đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Đào Duy