Nhìn ngôi nhà mái bằng khang trang còn thơm mùi vữa - thành quả những tháng ngày miệt mài lao động của cả gia đình, ông Nguyễn Tường Tam, ở thôn áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư vẫn ngỡ như một giấc mơ. Ông bị khuyết tật vận động bẩm sinh, đi lại sinh hoạt đã khó, nói gì tới lao động. Hoàn cảnh càng khó khăn hơn khi ông lấy vợ và liên tiếp cho ra đời 3 đứa con. Bố mẹ ông cũng là người khuyết tật, kinh tế gia đình cũng còn khó khăn nên chẳng giúp được gì cho ông. Thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng và sự tần tảo của người vợ. Và đương nhiên, gia đình ông luôn nằm trong "tốp" nghèo của xã. Ông Tam tâm sự: Chẳng biết đến khi nào sự nghèo khó mới thôi đeo đẳng gia đình tôi. Thế rồi xã Ninh Hòa được chọn làm thí điểm triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, tôi cũng như nhiều người khuyết tật khác được hưởng lợi từ chương trình này. Từ nguồn vốn hỗ trợ, tôi mua bò giống. Nuôi bò không tốn chi phí thức ăn, lại ít bị dịch bệnh, cả nhà đều tham gia chăn thả được. Chăn nuôi thuận lợi, mạnh dạn vay thêm tiền của hàng xóm để mua thêm bò, hai năm sau, gia đình tôi đã có đàn bò 6 con. Mỗi năm, bò giống đẻ được 1 con bê, bán cũng được 3-5 triệu đồng/con. Đời sống của gia đình tôi được cải thiện nhiều...
Không riêng gì ông Tam, ở xã Ninh Hòa còn có nhiều người khuyết tật đã vươn lên ổn định cuộc sống nhờ có "lực đẩy" của dự án hỗ trợ sinh kế người khuyết tật. Có thể kể đến một số điển hình như: gia đình ông Lê Văn Duyệt (thôn Thanh Hạ), gia đình ông Đoàn Văn Trọng (thôn Quán Vinh), gia đình ông Đinh Bá Tân (thôn Ngô Thượng)… Ông Nguyễn Hữu Quân, Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa cho biết: Năm 2009, xã Ninh Hòa được tiếp nhận dự án hỗ trợ sinh kế người khuyết tật của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Dự án được triển khai không chỉ giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm của họ mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội. Mọi người cùng có trách nhiệm giúp đỡ, động viên người khuyết tật giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Với ý nghĩa thiết thực đó, cấp ủy, chính quyền xã đặt quyết tâm phải nỗ lực để dự án được thực hiện có hiệu quả, thiết thực.
Theo đó, UBND xã đã thành lập ban quản lý dự án gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể của xã và các trưởng thôn, xóm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện dự án, trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Công tác tuyên truyền cũng được UBND xã chú trọng. Ban văn hóa xã có bài viết tuyên truyền thường xuyên trên đài truyền thanh để người dân biết và tham gia ủng hộ. Việc thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát người khuyết tật ở cơ sở thôn, xóm được thực hiện nhanh, chính xác, công khai. Căn cứ vào kết quả khảo sát để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng. Qua đợt khảo sát, toàn xã có 344 người khuyết tật, trong đó có 234 người không có thu nhập và đều là những đối tượng nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Những đối tượng này đã được hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như: đầu tư trồng cây ăn quả có chất lượng cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm… Để các mô hình này triển khai có hiệu quả, ngoài việc hỗ trợ giống, vốn, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học trong sản xuất, kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh… cho bà con.
Qua triển khai mô hình, tất cả hộ tham gia đều nắm bắt được đầy đủ các quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho gia đình. Dù nguồn vốn hỗ trợ chưa nhiều nhưng đã góp phần động viên tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn. Đây là nền tảng ban đầu để các hộ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư có hiệu quả và tiến đến giảm nghèo bền vững. Không chỉ giúp người khuyết tật vốn, kiến thức để làm ăn, dự án còn hỗ trợ xe lăn, máy trợ thính… tạo điều kiện cho người khuyết tật thuận lợi đi lại, giao tiếp. Có thể khẳng định, hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật là dự án mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng được sự mong đợi của người khuyết tật nghèo. Mong rằng dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương, để nhiều người khuyết tật có điều kiện vượt lên số phận, khắc phục nghèo khó từ trong ý thức, xóa bỏ những mặc cảm và tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Nguyễn Hùng