Chúng tôi tới thăm gia đình anh Bùi Văn Cử (thôn Cối, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan) đúng lúc vợ chồng anh vừa đi làm đồng về. Thấy chúng tôi vợ anh Cử nói vui: Nhờ có chiến sự ở Libya mà chồng tôi mới về giúp gia đình thu hoạch lúa mùa đấy. Tiếp lời vợ, anh Cử kể: Vợ chồng tôi sinh được 3 con. Con út không may bị tàn tật. Cuộc sống nhà nông chỉ biết trông vào vài sào ruộng nên cái nghèo, cái khó cứ bám riết. Sau nhiều ngày bàn bạc, vợ chồng tôi thống nhất để tôi đi xuất khẩu lao động sang Libya. Tham gia vào thị trường này tôi cũng lo lắng. Bởi theo tôi được biết thì năm 2011, Libya từng xảy ra tình trạng mất ổn định khiến nhiều lao động phải về nước trắng tay.
Tuy vậy, theo những người đi trước thì làm việc ở thị trường này công việc ổn định, thu nhập cũng khá, đặc biệt là khoản tiền lệ phí để đi xuất khẩu chỉ là vài chục triệu đồng, phù hợp với khả năng tài chính của người lao động, đặc biệt là lao động nghèo như chúng tôi. Tại Libya, tôi làm việc cho một công ty chuyên về xây dựng. Công việc của một thợ xây khá đơn giản, không quá vất vả nhưng mang lại cho tôi thu nhập ổn định ở mức 6-7 triệu đồng/tháng. Dự kiến, sau vài năm lao động bên xứ người, có chút vốn nho nhỏ thì tôi sẽ về quê lập nghiệp.
Thế rồi, chiến sự tại Libya đã làm dang dở dự định của chúng tôi. Ngay sau khi xảy ra chiến sự, công ty đã thanh toán tiền lương đầy đủ, đồng thời tạo điều kiện để chúng tôi trở về nước an toàn. Trong cuộc hành trình trở về nước, chúng tôi được Hội chữ thập đỏ Quốc tế lo cho chỗ ăn, ở. Thức ăn chủ yếu là bánh mỳ và sữa. Trong lúc khó khăn nhất tình người, tình đồng hương càng có ý nghĩa, chúng tôi chia nhau từng gói mỳ, từng viên thuốc. Về địa phương, chính quyền và các đoàn thể cũng đến thăm hỏi, động viên tôi. Đây là động lực, giúp chúng tôi vững vàng, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Cách nhà anh Cử không xa là nhà thanh niên trẻ Nguyễn Thế Đại. Đại được Công ty Sôna (trụ sở ở Hà Nội) đưa sang làm việc ở Libya từ tháng 12-2013. Đại cho biết: Em có nghề hàn, nên khi sang làm việc tại Libya, em được trả mức lương 8 triệu đồng/tháng. Trong những ngày Libya xảy ra bạo loạn, được về nước bình an là điều mà tất cả lao động Việt Nam đều mong muốn. Tuy vậy, điều mà em trăn trở nhất bây giờ đó là cuộc sống tiếp theo sẽ như thế nào? Làm việc ở Libya được hơn 7 tháng như em còn là may mắn.
Làm cùng với công ty em ở bên Libya có khoảng 200 lao động là người Việt Nam. Qua những lần trò chuyện được biết, nhiều người trong số họ mới chỉ sang Libya được vài tháng, cá biệt có người mới sang được gần 1 tháng, còn chưa kịp nhận tháng lương đầu tiên. Phải trở về nước trước thời hạn trong khi chưa trả được khoản tiền vay để đi xuất khẩu khiến nhiều người lo lắng. Bởi với những gia đình nghèo, thì số nợ vài chục triệu đồng thực sự đã trở thành gánh nặng lớn.
Niềm vui và sự trăn trở của gia đình anh Cử, anh Đại cũng là trăn trở chung của lao động tỉnh ta đi làm việc có thời hạn ở Libya. Trở về quê nhà với những khoản nợ vay để làm thủ tục xuất cảnh vẫn còn đó, nhiều lao động thực sự gặp khó khăn về kinh tế, song tất cả những lao động và người thân của họ mà chúng tôi gặp đều vui trào nước mắt khi chồng, con, em của mình về nước an toàn.
Theo lãnh đạo Phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, khác với năm 2011, năm nay số lao động Ninh Bình đi làm việc có thời hạn ở Libya ít hơn hẳn. Đến nay, toàn bộ 22 lao động của tỉnh làm việc có thời hạn ở Libya đã về nước an toàn. Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội đã thành lập tổ chuyên trách theo dõi, cập nhật hàng ngày số lao động của địa phương để tham mưu lãnh đạo tỉnh có giải pháp giúp đỡ, động viên người lao động. Cụ thể, tỉnh ta đã chỉ đạo các địa phương tiến hành tổng hợp, phân loại đối tượng lao động để có phương án hỗ trợ.
Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội đề xuất các công ty đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở Libya trực tiếp đến các gia đình lao động mới trở về thăm hỏi, xem xét nguyện vọng của người lao động, nếu người lao động có nhu cầu đi lao động tiếp ở thị trường khác thì tạo điều kiện ưu tiên xuất cảnh sớm. Động viên các công ty đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở Libya hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động để tạo uy tín của các đơn vị xuất khẩu lao động và giúp lao động ổn định tư tưởng, cuộc sống. Ưu tiên việc làm cho các lao động tại các doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho lao động vay vốn phát triển sản xuất tại địa phương khi lao động có nhu cầu.
Đặc biệt, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Phòng Lao đông, Thương binh và Xã hội các huyện phối hợp với các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động tại Libya về nước để giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Đào Hằng