Kỳ 1: Nguồn vốn không còn là trở ngại của doanh nghiệp
Với sự vào cuộc tích cực của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay đã mang lại những tín hiệu tích cực tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu phục hồi. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nguồn vốn hiện nay không còn là trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp. Về phía ngân hàng thì giai đoạn hiện nay thanh khoản cũng đang khá dồi dào, song quan trọng nhất là tìm được bạn hàng tin cậy.
Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng Hải tại thành phố Ninh Bình cho biết: Hiện nay nguồn vốn của ngân hàng dồi dào, do đó chúng tôi đang điều chỉnh lãi suất huy động để hạn chế tiền gửi vào. Tuy nhiên, các chính sách cho vay cũng vẫn được ngân hàng siết chặt hơn để hạn chế rủi ro trong giai đoạn này. Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng có chung nhận định, cách đây vài năm, lãi suất cho vay cao nhất tới 25%/năm, nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận vay vì kinh doanh có lãi.
Hiện nay, lãi suất đã giảm mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn không vay. Điều này có nghĩa là vốn ngân hàng bị "ế" không phải do lãi suất, mà do chính thị trường. Một thời gian dài ngân hàng đã thu lợi lớn từ doanh nghiệp nên bây giờ phải có cơ chế phân phối lợi nhuận ra để cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu giảm lãi suất quá sâu sẽ có hệ lụy là bẫy thanh khoản rình rập các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND chắc chắn sẽ tăng vì tiền gửi VND dịch chuyển sang USD, hoặc người dân sẽ rút tiền mua vàng, bất động sản..., trong khi các doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất giảm thêm nữa.
Một ngân hàng TMCP trên tỉnh địa bàn cũng chia sẻ quan điểm: Tuy số lượng doanh nghiệp trên địa bàn nhiều nhưng hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp lớn đã tìm được đối tác tín dụng là các ngân hàng lớn nên mặc dù nguồn vốn dồi dào nhưng các ngân hàng nhỏ, sinh sau đẻ muộn đều rất khó tìm được các bạn hàng lớn và tin tưởng.
Phản ứng từ phía các doanh nghiệp sau khi các ngân hàng trên địa bàn đồng loạt thông báo giảm lãi suất rất tích cực. Ông Hà Đăng Tài, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu gỗ Tài Anh cho biết: Kế hoạch năm 2014, Công ty phấn đấu đạt doanh thu từ 600-700 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ khả thi vì trong quý I, doanh thu của Công ty đã đạt 250 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đã có những đơn đặt hàng lớn và có những đầu mối tiêu thụ ổn định. Các mặt hàng chính của Công ty như đồ nội thất, gỗ phục vụ xây dựng…đang chiếm lĩnh thị phần trong nước. Chính điều này đã giúp nguồn vốn luân chuyển nhanh có hiệu quả, giảm áp lực cho Công ty.
Ông Hà Đăng Tài cũng cho rằng: Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều sử dụng nguồn vốn vay ở Ngân hàng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đại đa số doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn của ngân hàng. Nói cách khác, nếu không có vốn của ngân hàng, các doanh nghiệp khó tồn tại và phát triển. Khoảng 2-3 năm trước đây, lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao trên 20% đã khiến không ít doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, phải thu hẹp quy mô, thậm chí là phá sản. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, với các chính sách ưu đãi của Nhà nước và các ngân hàng trong việc giảm lãi suất cho vay về mức trên, dưới 10%/năm đã giúp nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, không ít doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Giám đốc doanh nghiệp xây dựng Hoàng Bá (Yên Mô) cho biết: Lãi suất ngân hàng giảm xuống mức trên dưới 10%/năm trong giai đoạn hiện nay là một nhân tố tích cực giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong giai đoạn này. Với lãi suất này, doanh nghiệp có thể làm ăn có lãi và hạ giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Điều đó cũng có tác dụng kích thích tiêu dùng, thị trường tiêu thụ sẽ có những tín hiệu "ấm dần" trong thời gian tới.
Trong khi nền kinh tế vẫn chưa thoát ra khỏi sự khủng hoảng, giám đốc Hoàng Ngọc Bá (Doanh nghiệp xây dựng Hoàng Bá) mong muốn: Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất như hiện nay để các doanh nghiệp củng cố "sức khỏe", có khả năng đứng vững trên thương trường. Song ông cũng khẳng định, khó khăn mà đại đa số doanh nghiệp hiện gặp phải không còn là vốn mà là sức tiêu thụ chậm, khiến lượng hàng tồn kho lớn…
Rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đồng quan điểm, việc giảm lãi suất hiện nay đã giúp cho doanh nghiệp "dễ thở" hơn và bắt đầu làm ăn có lãi. Tuy nhiên, khi vốn vay không còn là rào cản của doanh nghiệp thì khó khăn lớn nhất chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đại diện một doanh nghiệp xây dựng cho biết: Trước đây, khi vốn vay ở mức cao trên 20%/năm, thậm chí doanh nghiệp còn phải đi vay ngoài nhưng thời kỳ đó sản xuất, kinh doanh vẫn phát triển mạnh, doanh nghiệp nhận được rất nhiều công trình. Nhưng đến thời điểm này, mặc dù lãi suất giảm nhưng do Nhà nước hạn chế đầu tư công, người dân cũng xây dựng ít nên từ đầu năm đến nay doanh nghiệp không nhận được công trình nào, công nhân phải tạm thời nghỉ việc, máy móc ngừng hoạt động.
Ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình đánh giá: Hệ thống ngân hàng thương mại không thiếu vốn. Lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp nên các ngân hàng có điều kiện để hạ lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi lãi suất để thu hút doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không còn ở câu chuyện lãi suất, vì lãi suất có tiếp tục hạ, doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà. Khó khăn của doanh nghiệp hiện vẫn tập trung vào vấn đề thị trường tiêu thụ, hàng tồn kho…Khi các vấn đề trên chưa tìm được hướng đi thì doanh nghiệp vẫn chưa thể mở rộng sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Nguyễn Thơm